Với sự phát triển của thông tin truyền thông ngày càng mạnh mẽ thì Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung đã và đang trở thành cộng đồng kết nối không biên giới. Bất cứ ai cũng có thể tham gia và tự bày tỏ quan điểm, chính kiến cũng như những lời bình luận của mình về một hiện tượng hay vấn đề xã hội nào đó mà mình quan tâm. Vẫn biết rằng, việc đưa thông tin lên mạng là một hành vi mang tính cộng đồng. Tuy nhiên, điều này luôn có thể đem đến những tác động tiêu cực. Nhiều người lạm dụng mạng xã hội để nói những vấn đề riêng tư hay giải tỏa bức xúc nhất thời nào đó. Nhưng họ không biết rằng mình đã vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt hành chính và nặng hơn là phải chịu trách nhiệm hình sự. Vì hành vi của họ đã xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nằm trong phạm vi điều chỉnh của pháp luật.
Theo Điểm d, Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 thì pháp luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Tùy theo mức độ vi phạm, tính chất của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 và Khoản 3, Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 hoặc bị xử lý hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự.
Vì vậy, khi tham gia mạng xã hội, chúng ta không được lợi dụng mạng xã hội đăng tải, chia sẻ những video, hình ảnh, bài viết bôi nhọ, nói xấu cá nhân, tổ chức hay tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thời gian qua, trong cả nước liên tục xảy ra các vụ bôi nhọ, nói xấu cá nhân và các tổ chức trên Facebook nói riêng và các mạng xã hội nói chung, gây bức xúc trong dư luận. Đặc biệt, khi cả nước đang huy động mọi nguồn lực để đối phó, đẩy lùi bệnh dịch Covid-19 thì một số cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh để phát tán những thông tin chưa kiểm chứng để “câu like”, “câu view”, tăng lượng người theo dõi trang cá nhân nhằm trục lợi…hoặc cũng có người muốn cảnh báo cho cộng đồng nhưng do thiếu hiểu biết, chủ quan, nóng vội đã tiếp tay đưa hoang tin liên quan dịch bệnh do Covid-19 lên mạng xã hội.
Tham gia mạng xã hội là nhu cầu thiết yếu của đời sống thời đại công nghệ thông tin. Tuy nhiên, các đối tượng xấu đang triệt để lợi dụng để đưa những thông tin xấu, độc, nhằm tạo ra những suy nghĩ lệch lạc, mơ hồ, dao động, mất niềm tin trong nhân dân để chống phá Đảng, Nhà nước. Do vậy, để đẩy lùi sự tác động tiêu cực, khi tham gia mạng xã hội, mỗi cá nhân nói chung và đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên Trường Chính trị nói riêng khi tham gia mạng xã hội cần xác định trách nhiệm giữ vai trò nòng cốt, tự giác trong đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực, tích cực đấu tranh với thông tin xấu độc… Đồng thời, chúng ta cần huy động sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, kết hợp phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức quần chúng trong việc tuyên truyền, vận động nêu cao tinh thần cảnh giác, sáng suốt lựa chọn, chia sẻ những thông tin hữu ích của mạng xã hội tạo thành phong trào rộng khắp trên môi trường mạng xã hội để xây dựng xã hội ngày càng tích cực, lành mạnh. Hãy trở thành một “công dân mạng thông thái” và đề cao ý thức trách nhiệm công dân khi sử dụng mạng xã hội, hãy cân nhắc với mỗi chia sẻ, mỗi bình luận cá nhân khi sử dụng mạng xã hội./.