Phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam

Thứ ba - 10/11/2020 04:14 14.386 0
Đảng và Nhà nước ta đã xác định Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương lai của dân tộc. Mỗi thầy (cô) giáo là những người chiến sỹ tiên phong, đi đầu trong công tác đào tạo con người, vì một xã hội tốt đẹp. Phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” là truyền thống quý báu, lâu đời của dân tộc ta.
      Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hình thành, xây dựng và giữ gìn rất nhiều truyền thống tốt đẹp, trong đó có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Đây là truyền thống đạo đức quý báu góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho dân tộc Việt Nam.
      Vậy “Tôn sư” là thái độ tôn kính, biết ơn thầy cô giáo, những người đã dạy dỗ mình; “Trọng đạo” là coi trọng học vấn, đạo lý và những điều học tập được qua thầy cô. Truyền thống tôn sư trọng đạo thể hiện ở việc rèn luyện đạo đức, chăm học để xứng đáng với sự dạy dỗ của thầy cô, là coi trọng và làm theo những điều đúng đắn mà thầy dạy đã dạy mình.
      Từ xưa đến nay, dù ít tuổi hay cao tuổi, dù khoa bảng hay chỉ là thầy đồ, người thầy giáo luôn luôn được nhân dân kính trọng, tôn quý, vị nể và được ví như: cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu, thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời. Người xưa thường nói “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, dù chỉ học một chữ hay nửa chữ cũng mang ơn người thầy. Nghề dạy học được coi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, vì sản phẩm đào tạo ra chính là con người. Nhân dân ta trọng đạo chính là trọng cái nghề “trồng người” cao quý đó. Ca dao có câu:
Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy
      Trong tục ngữ Việt Nam cũng đã dạy: “Không thầy đố mày làm nên”... đủ thấy được lòng trân trọng, kính yêu của nhân dân dành cho người thầy - những “kỹ sư tâm hồn” của mọi thời đại.
      Ngay từ khi Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc” nào là giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Mặc dù trăm công, ngàn việc bộn bề, song Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao và quan tâm đến công tác giáo dục, nâng cao trình độ dân trí. Sinh thời Người luôn đề cao sứ mệnh của người thầy giáo Người nói: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?. Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất…, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”[1]. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục đào tạo chính là đội ngũ những người thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
      Trong xã hội ngày nay, mặc dù khoa học kỹ thuật phát triển, nhiều yếu tố hiện đại, tiện ích có thể tham gia vào quá trình giáo dục con người, nhưng vẫn không gì có thể thay thế được vị trí đặc biệt quan trọng của người thầy. Bởi lẽ, dù xã hội có phát triển như thế nào đi chăng nữa, người thầy vẫn luôn là biểu tượng cho nhân cách, chuẩn mực đạo đức và là người truyền cảm hứng vào tâm hồn người học những điều tốt đẹp nhất.
      Thầy là người truyền lửa đam mê, khơi lên những ước mơ, hoài bão để thổi bùng lên những khát vọng cao đẹp trong tương lai; là người định hướng tri thức để người học khám phá, tìm tòi tri thức. Để làm được những điều đó, trong khi xã hội ngày càng phát triển, khoa học công nghệ đạt được những thành tựu to lớn, người thầy càng phải không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để bắt kịp với thời đại, đáp ứng được những nhu cầu đổi mới cũng như học tập ngày càng cao của người học.
      “Tôn sư trọng đạo” không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là một truyền thống văn hóa vô cùng tốt đẹp của nhân dân ta. Khi cuộc sống còn cần tri thức, con người còn văn minh thì người thầy luôn được tôn trọng. Người thầy được tôn vinh thì nghề dạy học cũng được coi trọng. Chính vì lẽ đó, Đảng và Nhà nước ta xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu và ngày 20-11 hàng năm trở thành ngày hội lớn của toàn dân để tôn vinh người thầy.
       Trong xã hội học tập và mọi người được học tập suốt đời như hiện nay thì vai trò của người thầy lại càng quan trọng. Biết bao tấm gương thầy, cô luôn tận tâm truyền lửa đam mê giúp người học mang lại vinh quang cho quê hương, đất nước. Tất cả điều đó là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam đã được hun đúc bởi truyền thống “tôn sư trọng đạo”.
       Tuy nhiên, dưới tác động mặt trái của cơ chế thị trường và những tiêu cực của đời sống xã hội, một bộ phận nhà giáo hiện nay thiếu tâm huyết với nghề, đánh mất lòng tự trọng nghề nghiệp, xu hướng thương mại hóa giáo dục coi trọng đồng tiền làm cho đạo đức nhà giáo ngày càng xuống cấp đã tạo ra vòng xoáy lôi cuốn một bộ phận thầy (cô) rời xa truyền thống và đạo đức nhà giáo. Có những thầy, cô giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật trong ứng xử học đường. Còn học sinh, đã có không ít bạn quên đi đạo nghĩa thầy – trò. Những học trò đã vô tình hoặc cố ý vi phạm đạo làm trò, làm đau lòng các thầy, cô giáo. Đã có những câu chuyện đau lòng lan tràn trên mạng Internet xúc phạm thầy, cô giáo, vô lễ với những người đang ngày đêm dạy bảo mình những điều hay lẽ phải, truyền đạt cho mình những tinh hoa tri thức nhân loại.
      Hiện nay chúng ta đang từng bước tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo quan điểm của Đảng. Vì vậy, đội ngũ thầy cô giáo cần xác định đúng sứ mệnh và trách nhiệm của mình trước xã hội như lời Bác Hồ - người thầy vĩ đại của dân tộc đã dạy: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Mỗi cán bộ, giáo viên không chỉ là một chiến sĩ cách mạng trên mặt trận truyền thụ tri thức, kỹ năng mà phải là những tấm gương về đạo đức, lối sống, tự học, tự rèn luyện, tận tụy, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc và hết lòng yêu thương người học; và người học phải luôn thực hiện đúng đạo làm trò, kính yêu và tôn trọng thầy cô giáo, cố gắng phấn đấu học tập và rèn luyện vì một tương lai tốt đẹp. Đồng thời, mỗi gia đình cần phải quan tâm sâu sát hơn nữa đến việc học tập của con, em chúng ta, giáo dục, rèn luyện trong nhận thức về truyền thống quý báu của dân tộc.  Và cùng với đó là sự chung tay của toàn xã hội trong giữ gìn và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Làm được như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc và truyền thống “tôn sư trọng đạo” mãi mãi giữ nguyên giá trị, mãi mãi là động lực góp phần đưa sự nghiệp “trồng người” không ngừng phát triển.
 
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2000, tập 11, tr.331-332

Tác giả bài viết: Trần Thị Quỳnh - Nguyễn Kim Dự

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập81
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm79
  • Hôm nay6,126
  • Tháng hiện tại143,950
  • Tổng lượt truy cập8,915,997
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây