Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đồng chí Lê Đức Anh

Thứ năm - 26/11/2020 21:55 944 0
Với 99 năm tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, đồng chí Lê Đức Anh đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Nhân dân ta. Đồng chí được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
       
20190502 5ccaf5c96e985
Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh – TTXVN (thanhphohaiphong.gov.vn)
      Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, phải chứng kiến người dân nô lệ mất nước sống cơ cực dưới chế độ thực dân, phong kiến, đã hun đúc trong đồng chí Lê Đức Anh lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng. Từ khi còn nhỏ, dịch đậu mùa đã làm một bên mắt bị mờ và một bên chân bị yếu cho đến tận sau này, nhưng ý chí và nghị lực mạnh mẽ đã thôi thúc Đồng chí hăng hái tham gia hoạt động cách mạng và đi suốt các cuộc chiến tranh của dân tộc. Năm 16 tuổi, Đồng chí được giác ngộ và năm 17 tuổi chính thức tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương, bắt đầu từ việc đọc sách, báo, tuyên truyền cho dân chúng, tham gia đấu tranh đòi giảm sưu thuế hà khắc của thực dân, phong kiến, đòi tự do, dân chủ ở làng quê. Năm 18 tuổi, Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
     Cuối năm 1938, đầu năm 1939, thực dân Pháp thẳng tay khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng, nhiều đảng viên và người yêu nước bị bắt. Tháng 10/1939, thực dân Pháp tiến hành khủng bố ở Thừa Thiên Huế, hầu hết các đảng viên huyện Phú Vang bị bắt. Để bảo toàn lực lượng theo chủ trương của tổ chức cộng sản, Đồng chí đã bí mật rời quê hương vào Đà Lạt hoạt động và sớm tìm đến với tổ chức cách mạng. Đầu năm 1942, Đồng chí rời Đà Lạt xuống đồn điền cao su Lộc Ninh. Tại đây, chứng kiến cuộc sống cơ cực của những người công nhân cao su, Đồng chí đã thực hiện tổ chức, củng cố đời sống vật chất, tinh thần và hâm nóng, thắp sáng trong họ lòng tự tôn dân tộc. Sau đó, Đồng chí đã tìm cách bắt liên lạc với tổ chức và tiến hành giác ngộ, vận động, gây dựng và phát triển phong trào cách mang. Khi phong trào phát triển nhanh và vững ở đồn điền cao su Lộc Ninh, Đồng chí đã gây dựng phong trào phát triển rộng đến các đồn điền lân cận. Từ tháng 11/1948 đến tháng 12/1950 là Tham mưu trưởng Khu 7, Khu 8 và Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn.  
       Đầu năm 1950, quân Pháp liên tục mở các cuộc hành quân càn quét, uy hiếp vùng giải phóng phía Đông và Đông Bắc Sài Gòn - Gia Định. Đồng chí Lê Đức Anh đã đề xuất với Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn: Mở một chiến dịch tiến công trên địa bàn Bến Cát nhằm tiêu diệt sinh lực địch bằng cách đánh giao thông kết hợp với công đồn diệt tháp canh để đánh viện binh; tác chiến kết hợp với phá hoại để mở rộng khu căn cứ của ta. Đề xuất trên đã được Bộ Tư lệnh đồng ý và giao Đồng chí làm Tham mưu trưởng Chiến dịch.
        Từ năm 1951 đến năm 1954 là Tham mưu phó, Quyền Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Từ tháng 5/1955 đến tháng 7/1963, Đồng chí đảm nhiệm các chức vụ Cục phó Cục Tác chiến và Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu. Tháng 8/1963, Đồng chí được bổ nhiệm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ tháng 2/1964 đến năm 1968, Đồng chí được giao giữ chức vụ Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.
       Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đồng chí được phân công chỉ huy bộ đội ở hướng Tây Sài Gòn, từ Long An đánh vào Tổng nha Cảnh sát và Cảnh sát Đô thành. Trên cơ sở phân tích, đánh giá thấu đáo tình hình, Đồng chí đã có những đề xuất quan trọng về chuyển hướng tiến công. Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã có ý nghĩa quan trọng, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh.
      Đầu năm 1969, đồng chí Lê Đức Anh được cấp trên giao nhiệm vụ Tư lệnh Quân khu 9. Trong điều kiện cách mạng miền Nam đang trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách, trên địa bàn Quân khu 9, địch đã bình định lấn chiếm vùng giải phóng trước đây, chỉ còn căn cứ U Minh và khu giải phóng phía Nam tỉnh Cà Mau, lực lượng và phong trào cách mạng giảm sút nghiêm trọng. Trước tình hình đó, đồng chí Lê Đức Anh (bí danh Chín Hòa) cùng đồng chí Võ Văn Kiệt (bí danh Tám Thuận) - Bí thư Khu ủy và các đồng chí trong Khu ủy, Bộ Tư lệnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức củng cố lực lượng, khôi phục lại thế và lực của Quân khu 9. Sau những nỗ lực vượt bậc và được sự chi viện to lớn của miền Bắc, lực lượng và phong trào cách mạng của Quân khu 9 đã nhanh chóng được khôi phục. Đến năm 1971 - 1972, lực lượng vũ trang Quân khu 9 đã liên tiếp nổ súng tiến công, đẩy lùi quân địch vào sát thị xã, thị trấn, bước đầu đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.
      Năm 1974, được giao đảm nhiệm cương vị Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, đồng chí Lê Đức Anh đã khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến mùa khô 1974 – 1975, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị chủ lực huấn luyện và hoạt động tác chiến theo kế hoạch mới, nhất là tập huấn cho bộ. Đầu năm 1975, Đồng chí cùng Bộ Chỉ huy Miền đã chỉ huy các đơn vị liên tiếp tiến công địch trong các chi khu Bù Đăng, Bù Đốp, Đồng Xoài... tiến tới tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân địch ở Phước Long, thu toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh của chúng, giải phóng tỉnh Phước Long với hơn 50 vạn dân. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí Lê Đức Anh đảm nhiệm Phó Tư lệnh Chiến dịch kiêm Tư lệnh cánh quân tiến công trên hướng Tây - Tây Nam đánh vào Sài Gòn.
    Trong những năm làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia - một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp, với biết bao gian nan thử thách, đồng chí Lê Đức Anh luôn quan tâm giáo dục, động viên bộ đội và chuyên gia vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả. Dưới sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của đồng chí Lê Đức Anh, Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam cùng quân và dân Campuchia đã thực hiện thắng lợi ba mục tiêu chiến lược của cách mạng Campuchia được xác định trong Nghị quyết số 39 ngày 15/2/1983 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia, đó là: “1. Tiếp tục làm cho quân Pôn Pốt tan rã, suy tàn hơn nữa; 2. Tiếp tục xây dựng thực lực cách mạng Campuchia mạnh hơn cả về số lượng và chất lượng, đủ sức đảm nhiệm cuộc đấu tranh thắng lợi với mọi kẻ thù, bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng, bảo vệ và xây dựng đất nước; 3. Bảo đảm đoàn kết liên minh chiến lược, chiến đấu Campuchia - Việt Nam trên một thế vững chắc hơn và mạnh hơn”(1). Sau này, đánh giá sự giúp đỡ của Việt Nam đối với Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Campuchia Hun Sen nói: "Không có sự giúp đỡ của Việt Nam, chúng tôi sẽ chết. Không có sự giúp đỡ của Việt Nam, Chính phủ Phnom Pênh sẽ không tồn tại”(2). Với thành tích xuất sắc trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng, tái thiết đất nước, đồng chí Lê Đức Anh được thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng tháng 1/1980 và lên Đại tướng tháng 12/1984. 
     Tháng 12/1986, Đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ tháng 2/1987, là Phó Bí thư Đảng ủy quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ngay sau khi nhận chức, Đồng chí đã có những đề xuất xác đáng với Bộ Chính trị về giải quyết vấn đề biên giới, và từ vấn đề biên giới để định ra chiến lược và sách lược của công tác đối ngoại.
image 3
Đại tướng Lê Đức Anh thị sát đảo Trường Sa Lớn trong chuyến công tác tháng 5 -1988. Ảnh tư liệu (kinhtedothi.vn)
      Ngày 7/5/1988, phát biểu tại cuộc mít tinh kỷ niệm 33 năm Ngày truyền thống Quân chủng Hải quân (7/5/1955 - 7/5/1988) được tổ chức tại đảo Trường Sa Lớn, Đồng chí nhấn mạnh: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: “Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”(3).
      Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (6/1991), Đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX (9/1992), Đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều công lao, cống hiến to lớn với nhiều dấu ấn nổi bật cả về đối nội và đối ngoại.
     Tháng 10/1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh sang New York dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên hợp quốc, đồng chí trở thành Nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam đặt chân tới Mỹ. Cùng với xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp cho tiến trình thúc đẩy để Việt Nam gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995.
      Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khoá VII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa V, VI, VII, VIII; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII. Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001. Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII và IX.
       Đồng chí Lê Đức Anh là con người giản dị, tiết kiệm, ghét thói khoa trương hình thức. Đồng chí luôn lắng nghe để nắm bắt tâm tư, tình cảm của nhân dân. Đồng chí thường xuyên nhắc nhở lãnh đạo địa phương: “Chúng ta làm làm cách mạng để giành chính quyền cho nhân dân, chính quyền của dân, do dân, vì dân”(4). Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều cống hiến cho Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân, nhưng cũng suốt cuộc đời, đồng chí sống giản dị và vô cùng thanh bạch. Sống liêm khiết, giản dị đã trở thành thói quen và nếp sống của đồng chí ở bất kỳ hoàn cảnh, môi trường nào.
     Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, với bao khó khăn, thử thách, đồng chí Lê Đức Anh luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đúng như cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã khẳng định, “là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta”(5). Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Anh (01/12/1920 – 01/12/2020) là dịp để chúng ta ôn lại, tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của Đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức cách mạng của đồng chí; nêu cao ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu của chúng ta./.

 Tài liệu tham khảo:
(1) Đại tướng Lê Đức Anh, Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 286.
(2)  Đại tướng Lê Đức Anh, Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Sđd, tr. 296
(3) Đại tướng Lê Đức Anh và nhiều tác giả, Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 80
(4) Đại tướng Lê Đức Anh, Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Sđd, tr. 337
(5) Đại tướng Lê Đức Anh và nhiều tác giả, Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước, Sđd, tr. 273
(6)Tổng hợp tài liệu tuyên truyền Ban Tuyên giáo Trung ương, (tuyengiao.vn)

Tác giả bài viết: Vũ Hữu Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập184
  • Hôm nay4,253
  • Tháng hiện tại111,273
  • Tổng lượt truy cập9,312,930
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây