Nghệ thuật quân sự trong quá trình tác chiến ở Việt Nam được hình thành và phát triển trong những điều kiện cụ thể của mỗi cuộc chiến tranh, gắn liền với những đặc điểm của đất nước, con người Việt Nam. Những hoạt động tác chiến chiến dịch được tiến hành trên cơ sở đường lối chiến tranh nhân dân, được kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai phương thức tác chiến du kích và tác chiến chính quy mang tính chất của chiến tranh giải phóng dân tộc chống lại những kẻ thù xâm lược có quân đông, có trang bị vũ khí nhiều và hiện đại.
Chiến dịch Đường 14 – Phước Long diễn ra trong thời kỳ cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1974 – 1975) là trận đụng độ quân sự giữa quân giải phóng miền Nam Việt Nam và quân lực Việt Nam cộng hòa diễn ra trên địa bàn tỉnh Phước Long. Kết quả quân giải phóng miền Nam Việt Nam giành thắng lợi, giải phóng toàn tỉnh Phước Long. Chiến thắng Phước Long có ý nghĩa như một trận trinh sát chiến lược, một trận thăm dò phản ứng của kẻ địch.
Thắng lợi của chiến dịch này có tầm chiến lược quan trọng, cùng một lúc đạt được hai mục tiêu: tiêu diệt sinh lực lớn của địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long, một địa bàn nhạy cảm trong hệ thống phòng thủ phía bắc Sài Gòn và để thăm dò khả năng phản kích chủ lực ngụy cũng như để đánh giá khả năng can thiệp sự trở lại của Mỹ khi ta đánh lớn. Thắng lợi này là cơ sở thực tiễn góp phần để Bộ Chính trị, Trung ương Đảng hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam một cách kịp thời và chính xác.
Bộ Tư lệnh chủ lực Miền tiến công giải phóng cứ điểm Bộ Chỉ huy Cảnh sát ngụy ở Phước Long. Ảnh tư liệu.
Cuối năm 1974, so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam có lợi cho ta, bất lợi cho địch, ta hoàn toàn nắm quyền chủ động về chiến lược, chiến dịch. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền mở chiến dịch tiến công Đường 14 - Phước Long, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, tạo điều kiện giải phóng Phước Long, làm bàn đạp tiến công các vị trí quân địch xung quanh Sài Gòn, giữ vững vùng giải phóng, bảo vệ tính mạng tài sản của đồng bào trong vùng mới giải phóng.
Đêm 12 rạng 13/12/1974, LLVT tỉnh phối hợp với Quân đoàn 4 tiêu diệt chi khu quân sự “Bù Đốp lưu vong”. Cũng thời gian này, lực lượng địa phương Bù Gia Mập và dân quân tiến công chi khu Bù Đăng và tuyến án ngữ gồm 25 đồn bốt, 01 tiểu đoàn Bảo an và cảnh sát, 1.200 phòng vệ dân sự chốt giữ. Sau 27 giờ chiến đấu, đến 17 giờ ngày 14/12/1974, ta giải phóng huyện Bù Đăng (quận Đức Phong). Ngày 15/12, ta dứt điểm yếu khu Bù Na và giải phóng toàn bộ vùng Bù Na, Nghĩa Trung. Ngày 17/12, địch đưa hai tiểu đoàn đột kích thám báo đến tái chiếm chi khu quân sự “Bù Đốp lưu vong”. Lực lượng ta tổ chức đánh trả quyết liệt, đến ngày 22/12, đánh bại quân địch, giữ vững địa bàn và phát triển tiến công, tiêu diệt nốt Đồn Thác Mơ, Phước Quả, Phước Tín, Phước Lộc. 5 giờ sáng ngày 26/12/1974, bộ đội chủ lực nổ súng đánh chiếm chi khu quân sự Đồng Xoài, đến 15 giờ cùng ngày, ta giải phóng hoàn toàn huyện Đồng Xoài (quận Đôn Luân), kết thúc giai đoạn 1 của chiến dịch.
Sau một thời gian chuẩn bị, chiến dịch chuyển sang giai đoạn 2, kế hoạch tiến công giải phóng Phước Long được Bộ Chính trị chuẩn y. Bộ Tư lệnh Miền và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 hạ quyết tâm tranh thủ thời cơ địch đang hoang mang tiến hành ngay cuộc tiến công giải phóng Phước Long. Các mặt trận theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh Miền cùng hiệp đồng nổ súng. Tình hình rất khẩn trương, lực lượng vũ trang Bình Phước tiến hành nghiên cứu chiến trường, tổ chức đánh nhỏ, lẻ, tiêu hao lực lượng địch và làm nhiệm vụ dẫn đường phục vụ Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) đánh chiếm Phước Long.
Rạng sáng ngày 31/12/1974, sau loạt pháo mở màn, lực lượng ta gồm Tiểu đoàn Bộ binh 4, Tiểu đoàn Bộ binh 5 (Trung đoàn 165), Tiểu đoàn Bộ binh 3 (Trung đoàn 141) kết hợp cùng lư lượng vũ trang tỉnh Bình Phước từ các hướng đồng loạt nổ súng tiến công vào tiểu khu Phước Long, quận lỵ Phước Bình, sân bay Phước Bình, Trung tâm Viễn thông Bà Rá. Chiều ngày 31/12, các vị trí xung yếu của Phước Bình đều bị ta tiêu diệt. Đêm 31/12, ta chiếm núi Bà Rá, phá hủy, làm tê liệt Trung tâm Viễn thông Bà Rá. Cùng lúc đó bộ đội địa phương tỉnh kết hợp với bộ đội chủ lực bao vây các mục tiêu của địch.
Truy kích địch trong thị xã Phước Long ngày 5-1-1975. Ảnh tư liệu.
Sáng ngày 01/01/1975, hai cánh quân từ Thác Mơ và Phước Quả của ta thọc sâu, tiến công địch tại cầu Suối Dung và Tư Hiền. Các cánh quân khác tiến công các ấp chiến lược, xung quanh các đồn, bốt phòng thủ của địch. Vòng vây thị xã Phước Long ngày càng bị khép chặt. Đến ngày 03/01, ta phá vỡ tuyến phòng thủ, đột kích vào trung tâm thị xã. Cuộc chiến diễn ra quyết liệt trên từng căn nhà, góc phố. Sáng ngày 06/01, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 9), lực lượng tăng cường được điều từ vùng ven Sài Gòn đã nhanh chóng triển khai tiến công từ phía Nam lên, phối hợp với lực lượng đang chiến đấu tạo hai gọng kìm tiêu diệt lực lượng địch còn lại ở tiểu khu Phước Long. Đến trưa ngày 06/01/1975, lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc Dinh tỉnh trưởng tỉnh Phước Long; 19 giờ ngày 06/01, Phước Long hoàn toàn giải phóng.
Sau 26 ngày đêm chiến đấu liên tục, bộ đội chủ lực cùng quân và dân Bình Phước đã tiêu diệt hoàn toàn các cụm cứ điểm chi khu Bù Đăng, Đồng Xoài, Phước Bình, yếu khu Bù Na, điểm cao Bà Rá và thị xã Phước Long.
Qua diễn biến của chiến dịch Đường 14 – Phước Long, chúng ta có thể khẳng định rằng: chiến thắng Đường số 14 - Phước Long, lần đầu tiên ta đã giải phóng hoàn toàn một tỉnh miền Đông Nam Bộ, đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật quân sự trong tổ chức và thực hành tác chiến chiến dịch, với nhiều nét nghệ thuật đặc sắc, được thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau:
Một là, chọn hướng đánh, xác định mục tiêu, phù hợp với giai đoạn cuộc chiến và khả năng chiến dịch, lựa chọn địa bàn tác chiến chiến dịch đúng đắn, phù hợp. Có thể nói đây là nội dung cơ bản của nghệ thuật vận dụng không gian trong chiến dịch tác động trực tiếp đến nghệ thuật tác chiến chiến dịch. Có thể thấy giai đoạn cuối năm 1974, trong hệ thống phòng thủ của Quân đoàn 3 Ngụy, địa bàn Phước Long - Đường số 14 là một khâu tương đối sơ hở, để lộ nhiều điểm yếu. Chính vì nhận định được điểm yếu của địch cho nên, trên cơ sở phân tích đánh giá tình hình các mặt, Bộ Tư lệnh Miền quyết định chọn Phước Long - Đường số 14 là địa bàn tác chiến chủ yếu của bước 1 năm 1975. Đây là quyết định đúng đắn, sáng tạo và là nét nghệ thuật đặc sắc. Với việc chọn địa bàn tác chiến chiến dịch này, chúng ta đã nhận thức đúng và biết đặt Phước Long - Đường số 14 vào những ý định chiến lược lớn, xa hơn mà trong thời điểm đó địch chưa đánh giá được.
Hai là, tạo lập thế trận tác chiến chiến dịch đi đôi với phá thế trận của địch, chuyển hóa linh hoạt, đánh địch ở thể chủ động để giành thắng lợi. Đây chính là bài học lịch sử của ông cha ta đã đúc kết thành “Được thời, có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn; mất thời, không thế thì mạnh hóa ra yếu, yên lại thành nguy, sự thay đổi ấy chỉ trong khoảng trở bàn tay”. Để giữ bí mật ý định hành động của ta trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch cũng như Kế hoạch chiến lược trong năm 1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chủ trương đẩy mạnh hoạt động nghi binh của Sư đoàn 9 và một bộ phận của Sư đoàn 7 trên Đường số 7 và Đường số 16 (đi Tân Uyên), nhằm thu hút sự chú ý của Quân đoàn 3 Ngụy. Tận dụng sơ hở của địch, các lực lượng Chiến dịch bí mật triển khai hình thành thế trận hiểm hóc, vững chắc trên các hướng. Cùng với đó, việc chuyển hóa, phát triển thế trận chiến dịch nhanh cũng là nét nghệ thuật đặc sắc. Ngay từ khi chưa kết thúc đợt 1, khi thấy thời cơ mở ra, ta đã mạnh dạn đưa Trung đoàn 12, 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 429 cùng một bộ phận hỏa lực triển khai ở Nam Bù Đốp - Phước Tín; đồng thời, đưa lực lượng vào bao vây, bức rút các căn cứ: Phước Lộc, Phước Quả… để tạo thế cho đợt 2. Trong khi địch bị thu hút về hướng Bù Đốp và tập trung lo phòng giữ Tây Ninh, với thế trận được triển khai từ trước, ta nhanh chóng bao vây, tiến công chi khu quân sự Đồng Xoài.
Ba là, vận dụng cách đánh chiến dịch sáng tạo, tổ chức chỉ huy tác chiến và sử dụng lực lượng chiến dịch, đó là vận dụng tổng hợp cách đánh của nhiều lực lượng, kết hợp nhiều phương thức và quy mô tác chiến (đánh du kích, đánh vận động, đánh trận địa; đánh phân tán, đánh tập trung hiệp đồng binh chủng…).
Đây là nội dung quan trọng nhằm nâng cao sức chiến đấu của chiến dịch và cũng là nét nghệ thuật nổi bật trong tác chiến chiến dịch Đường số 14 - Phước Long. Khi bước vào chiến dịch, trên địa bàn tỉnh Phước Long có ba mục tiêu lớn, quan trọng của địch là: các chi khu Bù Đăng, Đồng Xoài và thị xã Phước Long. Để tiến công tiêu diệt ba mục tiêu trên, chiến dịch sử dụng cách đánh là lần lượt tiến công đột phá từng mục tiêu kết hợp sử dụng lực lượng, phương tiện tăng dần từng bước. Trong chiến dịch ta còn chủ động và khéo kết hợp chặt chẽ giữa tiến công đột phá với bao vây, chia cắt và nghi binh rộng rãi trên các hướng, làm cho địch không phát hiện ra hướng chủ yếu và lực lượng nào là chủ công của chiến dịch, nên cách đánh trên càng phát huy hiệu quả, diệt địch nhanh, gọn. Ngoài ra, quá trình tác chiến, ta đã vận dụng linh hoạt các hình thức tập kích, cường tập, vận động tiến công, truy kích, tiến công bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, cùng với các thủ đoạn bao vây, chia cắt, vu hồi, thọc sâu, tập kích hỏa lực trong từng trận và các đợt chiến dịch đã tạo được hiệu suất chiến đấu cao, hạn chế được thương vong tổn thất. Khi tiến công địch phòng ngự kiên cố trong công sự vững chắc ở trong thị xã, thực hiện đánh quân địch yếu trước, mạnh sau, kéo địch từ chỗ mạnh sang chỗ yếu, tạo thế, nghi binh, chia cắt, nhanh chóng tiêu diệt từng cụm quân địch, giải phóng từng địa bàn, địa phương, tiến tới giải phóng toàn tỉnh Phước Long. Chính vì thế, các mục tiêu địch từ Bù Đăng, Bù Na, Bù Đốp, Đồng Xoài và cuối cùng là thị xã Phước Long lần lượt bị ta tiêu diệt trong một thời gian ngắn cũng là nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự tác chiến của chiến dịch. Chiến thắng Phước Long là cơ sở thực tiễn để Đảng ta tiếp tục hoàn thiện kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam nhanh hơn, phù hợp với sự phát triển của tình hình.
Như vậy, có thể nói chiến thắng của chiến dịch Đường 14 – Phước Long đã thể hiện nghệ thuật quân sự trong tác chiến, thể hiện chỉ đạo, chỉ huy linh hoạt, sáng tạo, xử trí kịp thời các tình huống chiến đấu. Trong suốt quá trình và sau mỗi đợt thắng lợi của chiến dịch, ta đều chủ động đánh giá lại tình hình, so sánh lực lượng, bổ sung nhiệm vụ, quyết tâm chiến đấu cho phù hợp. Chiến thắng Đường 14 - Phước Long là sự đóng góp, hy sinh rất lớn của quân và dân tỉnh Bình Phước, trong đó là sự đóng góp to lớn về sức người, vật chất của các tầng lớp công nhân cao su và đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh, đã tích cực tham gia Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, giải phóng toàn tỉnh, giữ vững bàn đạp cho các binh đoàn chủ lực của ta tiến về giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Chiến thắng Phước Long đã trở thành dấu ấn mạnh mẽ không thể phai mờ trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, đồng thời là niềm tự hào của quân và dân Bình Phước. Bản hùng ca Phước Long chính là sức mạnh để nhân dân Bình Phước tự hào về lịch sử hào hùng của mình và đó cũng chính là động lực để nhân dân Bình Phước vươn lên thực hiện nhiều thắng lợi mới trên bước đường phát triển và hội nhập./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Quốc phòng quân Khu 7 (2004), Lịch sử Bộ Chỉ huy Miền (1961-1976),Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà nội.
2. Nguyễn Văn Trăm, Vai trò của Chiến thắng Đường 14 - Phước Long đối với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 – Bình Phước 2015.
3. Nguyễn Hữu Nguyên, Đường 14 – Phước Long, Đồn trinh sát chiến lược – Hội sử học TP Hồ Chí Minh, 1994.
4. Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước, sơ thảo 1920 – 1975, Bình Phước năm 2000.
5. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước (2013), Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Bình Phước 1945-2010, Nxb CTQG, Sự thật.