Đấu tranh phản bác những luận điểm xuyên tạc giá trị “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du.

Thứ ba - 29/12/2020 05:07 2.206 0
Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du là một tác phẩm có giá trị của nền văn học nước nhà đã được khẳng định, tôn vinh, có sức sống mãnh liệt và được lan tỏa rộng rãi vào trong đời sống của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn có một số người vì những động cơ khác nhau cố tình đưa ra những ý kiến xuyên tạc truyện Kiều để từ đó mạt sát văn hóa, dân tộc Việt Nam.
           1. Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm “Truyện Kiều”
          “Đoạn trường tân thanh”, tức Truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm truyện thơ nôm lục bát (gồm 3254 câu) viết dựa trên cốt truyện "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Tác phẩm kể về cuộc đời 15 năm lưu lạc, chìm nổi của Thúy Kiều, người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng vì gia biến phải bán mình chuộc cha, rơi vào cảnh “Thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần”, bị các thế lực phong kiến dày xéo, chà đạp.
          Mượn bối cảnh xã hội Trung Quốc đời nhà Minh nhưng Truyện Kiều chính là bức tranh rộng lớn về cuộc sống thời đại lúc nhà thơ đang sống. Tác phẩm đã phơi bày bộ mặt xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, đồng thời phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội phong kiến Việt Nam. Truyện Kiều là tiếng nói đề cao tình yêu tự do, khát vọng công lí và ngợi ca vẻ đẹp của con người. 
          Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã kết hợp tài tình tinh hoa của ngôn ngữ bác học với tinh hoa của ngôn ngữ bình dân; tiếng Việt và thể thơ lục bát dân tộc đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ của nghệ thuật thi ca. Công đóng góp của Nguyễn Du về phương diện ngôn ngữ là có một không hai trong lịch sử.
truy e1 bb 87n ki e1 bb 81u huy ho c3 a0ng d6b7419a5a924b4196e5bfd4407553a0 master
          Bìa một ấn phẩm Truyện Kiều của Nhà xuất bản Văn học
         Với những giá trị to lớn ấy, hàng trăm năm nay, Truyện Kiều luôn được lưu truyền rộng rãi và có sức chinh phục lớn đối với mọi tầng lớp độc giả. Từ Truyện Kiều đã ra đời nhiều hình thức sinh hoạt, sáng tạo văn hóa, nghệ thuật như vịnh Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều, đố Kiều… Truyện Kiều trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều liên môn khoa học xã hội nhân văn trong và ngoài nước, được dịch ra nhiều thứ tiếng để giới thiệu cho bạn bè thế giới.
          Vào tháng 11/2000, trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam với vai trò Tổng thống, tại bữa tiệc khoản đãi quốc khách ở Phủ Chủ tịch, Tổng thống Bill Clinton đã lẩy hai câu thơ trong Truyện Kiều: “Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân.” để diễn tả về sự thay đổi của vạn vật qua bốn mùa rồi từ đó chuyển sang ý tưởng thời cuộc và quan hệ bang giao giữa hai nước. Ngày 24/5/2016, trong chuyến thăm Việt Nam, khi kết thúc bài phát biểu của mình về quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã trích dẫn hai câu Kiều: “Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi”.
         Từ những giá trị to lớn của Truyện Kiều và toàn bộ sự nghiệp văn học của Nguyễn Du, nhân dân Việt Nam tôn vinh ông là Đại thi hào của dân tộc; ngày 25-10-2013, kỳ họp lần thứ 37 của Đại hội đồng UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) đã nhất trí vinh danh Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới.
         2. Cần đấu tranh với những ý kiến lạc lõng xuyên tạc, bóp méo giá trị của Truyện Kiều
         Giữa những tình cảm trân trọng, yêu mến, tự hào đối với một tác phẩm văn học có giá trị của nhiều thế hệ người Việt Nam, trong thời gian gần đây, trên các trang báo mạng, tài khoản mạng xã hội xuất hiện những hành vi rất ấu trĩ khi cố tình đưa ra những quan điểm công kích Truyện Kiều bằng những lời lẽ hết sức “lộng ngôn”, trong đó có tài khoản facebook P.N.H.Đ, một người tự nhận là “nhà thơ chuyên nghiệp với số lượng và chất lượng hàng đầu”. 
          Với những suy nghĩ méo mó, bằng thứ ngôn từ hằn học, cá nhân này cho rằng: “Truyện Kiều hàng nhái của Nguyễn Du rõ ràng đã đóng vai bảo bối cho mặc cảm mù chữ, quê mùa vô học, vậy mà đọc vanh vách Truyện Kiều khiến người ta và con cháu lác mắt chẳng phải không có chữ mà vẫn giống người có học sao?!”. Rồi từ việc chê bai, miệt thị Truyện Kiều, bằng những lập luận hết sức chiết trung, ngụy biện người này đi đến chỗ cho rằng việc người Việt Nam tự hào về Truyện Kiều, xem Truyện Kiều là “ khuôn vàng thước ngọc” là “nguyên nhân khiến cho tinh thần và văn hóa của dân tộc hèn yếu”.
          Trong một xã hội dân chủ, việc cá nhân đưa ra ý kiến bình phẩm hay phê bình về một tác phẩm văn học với những góc nhìn đa chiều là tín hiệu tốt, có thể xem là một động lực cho sự phát triển của nền văn hóa, nghệ thuật của đất nước. Song, với kiểu tư duy thô thiển, vì động cơ không trong sáng, lành mạnh thì việc đưa ra những loại ý kiến như trên là hết sức nguy hiểm. Nguy hiểm hơn là thay vì bày tỏ chính kiến, góp ý cho hành động của cá nhân này, trên mạng xã hội lại có một số người a dua, cổ xúy cho việc làm phản văn hóa như thế.
           Hiện nay, việc lợi dụng tự do sáng tạo, tự do ngôn luận để phủ nhận, xuyên tạc một số giá trị văn hóa và lịch sử thiêng liêng của dân tộc là một chiêu bài tinh vi của các thế lực thù địch nhằm tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, phá hoại sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Việc nhận diện rõ các hành vi sai trái và kiên quyết đấu tranh là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân. Tuy nhiên, để tạo sự “miễn dịch” mạnh mẽ, lâu bền với những âm mưu thủ đoạn tinh vi ấy, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để duy trì và tạo nên sức sống trường tồn của Truyện Kiều nói riêng và các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.
           Nhân kỷ niệm 256 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (03-01-1766), một lần nữa chúng ta đọc lại, suy ngẫm và tự hào về Truyện Kiều, một cầu nối  văn hóa dân tộc Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại và tương lai; một cầu nối văn hóa dân tộc Việt Nam với văn hóa thế giới./.

Tác giả bài viết: Lương Thị Hồng Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập80
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm72
  • Hôm nay7,653
  • Tháng hiện tại185,721
  • Tổng lượt truy cập9,148,083
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây