Đại tướng Lê Đức Anh với phong trào cách mạng Bình Phước

Thứ năm - 26/11/2020 09:34 1.048 0
Đại tướng Lê Đức Anh - Vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo xuất sắc, một nhân cách đức độ, giản dị, gần gũi nhân dân. Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của Đại tướng đã có nhiều khoảng thời gian gắn bó mật thiết với vùng đất Bình Phước ngày nay, góp phần tạo nên những trang sử vẻ vang của vùng căn cứ cách mạng Bình Phước.
     
a6d0fd66 bc6b 4768 af20 b6f4ceac19b3 4 a9
Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam Lê Đức Anh (người thứ 2 từ phải qua) cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh miền tại căn cứ Tà Thiết, năm 1971, Ảnh tư liệu (cand.com.vn)
       Đồng chí Lê Đức Anh sinh ngày 01-12-1920 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, quê quán tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sinh ra trên mảnh đất quê hương giàu truyền thống yêu nước và hiếu học, thấu hiểu sự nghèo đói, lam lũ của người dân lao động cùng khổ dưới ách thống trị của thực dân, đế quốc, người thiếu niên Lê Đức Anh đã sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1937, khi mới 17 tuổi, Đồng chí tham gia phong trào dân chủ ở Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Tháng 5/1938, Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong thời kỳ 1939-1944, Đồng chí hoạt động trong các hội Ái hữu tại Hội An, Đà Lạt, Lộc Ninh, Thủ Dầu Một và các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh, Quảng Lợi, Xa Cam, Xa Cát…
      Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh, dấu ấn về thời kỳ hoạt động trên mảnh đất Bình Phước anh hùng là hết sức to lớn. Sau khi từ Đà Lạt về Lộc Ninh vào năm 1940 và làm phu cao su cho đồn điền CEXO, công việc chính của đồng chí Lê Đức Anh lúc này là làm ba tê, xúc xích. Từ khi về đây làm việc, công việc không bị quản lý chặt như phu cạo mủ cao su, lại có điều kiện đi lại giữa các đồn điền, đồng chí Lê Đức Anh có điều kiện đến các làng tiếp xúc với phu cao su. Từ đó, đồng chí đã tận dụng cơ hội để vận động, xây dựng phong trào cách mạng. Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong trào công nhân và phong trào cách mạng chung toàn tỉnh, đầu năm 1943, tại Làng 1, đồn điền cao su Dầu Tiếng, Tỉnh ủy lâm thời (gọi là Ban cán sự Đảng) tỉnh Thủ Dầu Một được tái lập do đồng chí Văn Công Khai làm Bí thư, đồng chí Lê Đức Anh được bổ sung vào Tỉnh ủy. Tỉnh ủy phân chia địa bàn hoạt động ra làm hai vùng phía Bắc và phía Nam, phân công cán bộ chỉ đạo trực tiếp các vùng, đồng chí Lê Đức Anh và đồng chí Nguyễn Văn Trung chỉ đạo phong trào Lộc Ninh và toàn bộ vùng phía Bắc.
     Tháng 2/1944, một chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập ở Lộc Ninh gồm 3 đảng viên. Đồng chí Lê Đức Anh - Ủy viên ban cán sự tỉnh Thủ Dầu Một, phụ trách vấn đề dân tộc thiểu số làm Bí thư. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, điều lệ Việt Minh về việc thành lập Mặt trận Việt Minh, chi bộ đã phổ biến sâu rộng trong công nhân và nhân dân vùng này, “thành lập nhóm trung kiên gồm các ông Mé, ông Ký Thịnh, ông Khiêm, ông Ba Đèn, ông Cai Loại và ông Hai Đinh làm nòng cốt vận động phong trào Việt Minh, tạo cơ sở cho các hội cứu quốc ra đời ”(1). Chi bộ Lộc Ninh trước mắt khẩn trương gây dựng phát triển lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền cách mạng trong công nhân và nhân dân vùng Hớn Quản, chuẩn bị đón thời cơ phát động quần chúng công nhân và đồng bào các dân tộc vùng lên khởi nghĩa. Ở vùng đồn điền cao su, lực lượng nòng cốt của cách mạng là các nghiệp đoàn công nhân do chi bộ Đảng vận động và tổ chức. Với sự tích cực vận động, tổ chức và chỉ đạo sâu sát của Đảng, cho đến tháng 8/1945 ở Lộc Ninh, lực lượng quần chúng đã hình thành các hội cứu quốc (Việt Minh), thanh niên tiền phong, các đội thanh niên bán vũ trang, đội tự vệ. Lực lượng này đứng chân trên địa bàn phía bắc, góp phần đáng kể cho toàn tỉnh hình thành một lực lượng bán vũ trang đông đảo gồm 150 đoàn thanh niên tiền phong, thanh niên cứu quốc có hơn 2 vạn đoàn viên sẵn sàng chờ lệnh đứng lên khởi nghĩa dành chính quyền.
     Thực hiện kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền của Tỉnh ủy và Ủy ban khởi nghĩa tỉnh về quán triệt Nghị quyết của trung ương Đảng và Xứ ủy Nam kỳ về tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đồng chí Văn Công Khai Bí thư tỉnh ủy, tổ chức ngay cuộc họp Tỉnh ủy mở rộng đến bí thư chi bộ “ Hội nghị họp tại chợ Bưng Cầu, làng Tương Bình Hiệp, hội nghị vắng 2 đồng chí tỉnh ủy viên và đồng chí đại biểu dân tộc quân Hớn Quản, ngày 22.8 đồng chí Lê Đức Anh từ Lộc Ninh về Thị xã gặp đồng chí Văn Công Khai nhận Nghị quyết của Tỉnh ủy trở về Lộc Ninh ngay ”(2). Ngày 24/8/1945 nhân dân Thủ Dầu Một, Biên Hòa nhất tề nổi dậy. Tại Lộc Ninh sau khi được phân công đồng chí Lê Đức Anh trực tiếp tổ chức lực lượng vũ trang, “ lực lượng này thu hút hàng ngàn thanh niên tích cực trong các làng cao su, nhưng vì vũ khí có ít nên tuyển chọn những thanh niên khỏe mạnh, bố trí thành các tiểu đội, trung đội và đại đội. Lực lượng vũ trang có quân phục là quần áo bà ba màu nâu, giày được làm bằng mủ tờ sơ chế, mũ calô vải xanh. Do lực lượng này mặc đồng phục nâu nên được gọi là “ bộ đội áo nâu ” hay “ đội quân áo nâu ”. Phần lớn trang bị vũ khí thô sơ như súng trường gỗ gắn lưỡi lê, giáo mác, tầm vông vạt nhọn có dây trói đeo ở đầu gậy ”(3), với tinh thần “ Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ”(4). Ngày 24/8/1945, đội tự vệ do đồng chí Lê Đức Anh chỉ huy cùng hàng ngàn công nhân cao su và quần chúng tiến vào thị trấn cướp chính quyền. “ Quân Nhật nổ súng chống cự nhưng chỉ 15 phút chiến đấu, đợi tự vệ đã tiêu diệt 18 tên Nhật, thu 40 súng, buộc chúng phải xin đầu hàng ”(5). Lộc Ninh là một trong những địa phương giành được chính quyền sớm nhất trong tỉnh Thủ Dầu Một. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Lê Đức Anh còn tham gia nhiều hoạt động cách mạng tại quê hương Bình Phước. Sau khi tái chiếm Nam bộ, thực dân Pháp đã biết được vai trò của ông nên truy lùng gắt gao. Trước hoàn cảnh đó, ông phải từ bỏ vai trò của mình ở đồn điền, rút vào hoạt động bí mật ở vùng Tân Khai để bám trụ địa bàn, tiếp tục xây dựng lực lượng cách mạng ở địa phương.
     Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công thành phố Sài Gòn, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. “ Từ Hớn Quản, Lộc Ninh, một đoàn xe tải chở thanh niên chiến đấu do đồng chí Lê Đức Anh chỉ huy, theo quốc lộ 13 tiến về Sài Gòn, chi viện cho trận tuyến phía Đông Sài Gòn, lực lượng này làm cho sư đoàn thuộc địa số 9 của Pháp vất vả chống đỡ ”(6). Sau đó đồng chí Lê Đức Anh về trở về tham gia quản lý các đồn điền tại Lộc Ninh.
      Vào cuối năm 1945, “đội quân áo nâu” của công nhân cao su Lộc Ninh do đồng chí Lê Đức Anh chỉ huy đi chi viện cho mặt trận Sài Gòn trấn giữ ở cầu Bến Phân theo lệnh đã rút về xã Chánh Phú Hòa. Đơn vị vũ trang ở Quản Lợi, Bù Ka, đều nhận lệnh về Khu bộ Khu 7 – vùng Lạc An. Sau đó, tất cả “đội quân áo nâu” cùng với một bộ phận bộ đội Nam tiến hội tụ về căn cứ Đất Cuốc, Lạc An, Thường Lang, tổ chức thành Trung đội A. Đơn vị hỗn hợp này có 300 quân do đồng chí Nguyễn Văn Thi làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Lê Đức Anh làm chính trị viên…, sau đó Trung đội A là đơn vị hỗn hợp của Hớn Quản được tách ra do đồng chí Lê Đức Anh chỉ huy được phân công về Hớn Quản – Lộc Ninh hoạt động. Về địa bàn này, đồng chí Lê Đức Anh liên kết với lực lượng vũ trang Bến Cát tổ chức thành “Đại đội 3 
”(7), do anh Qùy (tức Nguyễn Văn Ngọ) làm Đại đội trưởng, đồng chí Lê Đức Anh làm Chính trị viên. Đến tháng 12/1946 đồng chí Lê Đức Anh tham gia vào Ban cán sự Đảng của quận Hớn Quản, tức Quận ủy lâm thời. Việc thành lập Quận ủy lâm thời thời Hớn Quản đánh dấu bước phát triển vượt bậc của phong trào kháng chiến vùng này, biến đồn điền cao su thành chiến trường diệt địch. Tháng 4/ 1947, “ Bộ đội Hớn Quản và bộ đội Bến Cát tăng cường do đồng chí Lê Đức Anh chỉ huy khoảng 150 người đã đánh vào các trung tâm đồn điền Xa Trạch, Xa Cát, Xa Cam, làng Sóc Gôn nơi có đồn Pháp đóng giữ, phá được nhiều kho tàng, nhà máy chế biến mủ, thu lương thực, thực phẩm, thiệt hại nặng nhất là trung tâm đồn điền Xa Cát ”(8). 
    Đến đầu năm 1948, đồng chí Lê Đức Anh tiếp tục phụ trách lực lượng vũ trang Hớn Quản sau đó được điều về làm Chính trị viên Trung đoàn 301, việc thành lập Trung đoàn 301 là bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang mạnh về cả chính trị tư tưởng, tổ chức, chỉ huy và kinh nghiệm chiến đấu, sau đó được bầu làm Tỉnh ủy viên tại Hội nghị đại biểu Thủ Dầu Một tháng 11/1948. Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc và giữ nhiều chức vụ khác nhau trong quân đội. Tháng 2 năm 1964, ông được điều vào Nam với bí danh Sáu Nam, giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong giai đoạn từ năm 1973-1975, trong vai trò lãnh đạo Bộ Chỉ huy Miền, ông có thời gian sống và làm việc ở Căn cứ Quân ủy Bộ chỉ huy Miền – Tà Thiết, thuộc địa phận huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước tới ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, dân tộc hoàn toàn độc lập.

 
j
Đồng chí Lê Đức Anh (người chính giữa đội nón cối, ở giữa) về thăm lại Căn cứ Tà Thiết, Bình Phước. Ảnh tư liệu (baotangbinhphuoc.org.vn)
       Những đóng góp của Đại tướng Lê Đức Anh đối với phong trào cách mạng cả nước nói chung và phong trào cách mạng tại Bình Phước nói riêng là hết sức to lớn. Chúng ta mãi mãi nhớ về Đại tướng Lê Đức Anh – đồng chí Sáu Nam kính mến, người đồng chí thân thiết, chí tình, một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo xuất sắc, một nhân cách đức độ, giản dị, gần gũi. Noi gương đồng chí, nhân dân Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung nguyện nỗ lực phấn đấu, ra sức hành động, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình ổn định cho phát triển, xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
 
 Tài liệu tham khảo:
(1) Lịch sử Đảng bộ Bình Phước, Sơ thảo 1930-1975, Thường vụ Tỉnh ủy ấn hành năm 2000, tr.72.
(2) Lịch sử Đảng bộ Bình Phước, Sơ thảo 1930-1975, Thường vụ Tỉnh ủy ấn hành năm 2000, tr.404.
(3) Lịch sử Đảng bộ Bình Phước, Sơ thảo 1930-1975, Thường vụ Tỉnh ủy ấn hành năm 2000, tr.87.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.3.
(5) Địa chí Bình Phước, Nxb. Chính trị quốc gia, Tập 1, tr.366.
(6) Địa chí Bình Phước, Nxb. Chính trị quốc gia, Tập 1, tr.368.
(7) Đại đội 3 có 3 trung đội: trung đội 1 và 2 hoạt động địa bàn Bến Cát; Trung đội 3 phụ trách địa bàn Hớn Quản – Lộc Ninh do đồng chí Lê Đức Anh chính trị viên đại đội trực tiếp chỉ huy.
(8) Lịch sử Đảng bộ Bình Phước, Sơ thảo 1930-1975, Thường vụ Tỉnh ủy ấn hành năm 2000, tr.107.

 

Tác giả bài viết: Phạm Minh Triều - Vũ Hữu Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập25
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay2,473
  • Tháng hiện tại100,113
  • Tổng lượt truy cập8,403,840
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây