Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược và thống trị nước ta, biến nước ta thành một nước thuộc địa nữa phong kiến, với những chính sách thống trị của thực dân Pháp làm cho xã hội Việt Nam biến đổi sâu sắc, các phong trào chống thực dân Pháp nổ ra nhưng đều thất bại vì thiếu đường lối, tổ chức, và lực lượng tiên phong. Lãnh tụ Hồ Chí Minh kết luận. “Từ ngày bị đế quốc xâm chiếm, nước ta là một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác. Trong mấy mươi năm khi chưa có Đảng, tình hình đen tối như không có đường ra”(1) . Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời 3-2-1930, Nguyễn Ái Quốc soạn thảo Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng, vạch ra những vấn đề cơ bản về đường lối cách mạng Việt Nam, trong đó có những nội dung về yêu cầu tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Đó là cơ sở quan trọng để sau đó Đảng ta xây dựng Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam.
Từ ngày thành lập, để đáp ứng yêu cầu phát triển của lịch sử dân tộc, Mặt trận đã có những tên gọi và hình thức tổ chức khác nhau. Các hình thức tổ chức hoạt động của Mặt trận như: Hội Phản đế đồng minh (1930), Phản đế liên minh (1935), Mặt trận Thống nhất dân chủ Đông Dương (1938), Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế (1940), Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (1941), Hội Liêp hiệp quốc dân Việt Nam (1946), Mặt trận Liên - Việt (1951), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955, 1977), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960) và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam (1968) và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong cả nước (1977) đến nay.
Qua các thời kỳ lịch sử cách mạng , Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn, minh chứng cho sự phát triển và biến đổi không ngừng để phù hợp trong các giai đoạn lịch sử cách mạng Việt Nam.
Giai đoạn (1930 - 1945): Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã ban hành “Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh”, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Qua phong trào cách mạng phản đế, phản phong sôi nổi trong cả nước mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, các tổ chức chính trị với các hệ tư tưởng khác nhau nhưng gặp nhau ở mục tiêu giải phóng dân tộc lần lượt xuất hiện với sự tham gia của nhiều tầng lớp, nhiều dân tộc. Trước sự diễn biến phức tạp của tình hình chính trị và kinh tế ở các thuộc địa, cùng với nhiều nước thuộc địa khác, các nhà yêu nước Việt Nam kêu gọi "tiến tới một cuộc Đông dương Đại hội". Tháng 6/1938, Đảng Cộng sản Đông Dương gửi thư công khai cho các đảng phái đề nghị gác các ý kiến bất đồng để "bước tới thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương" chính trong thời kỳ này từ những phong trào Mặt trận đã dần hình thành Mặt trận với tính chất của một tổ chức. Tháng 11/1939 Đảng Cộng sản Đông Dương đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo, chuyển cuộc vận động Mặt trận Dân chủ thành Mặt trận Dân tộc thống nhất chống chiến tranh đế quốc với tên gọi chính thức: Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông dương nhằm liên hiệp tất cả các dân tộc Đông Dương, các giai tầng, đảng phái, cá nhân có tinh thần phản đế muốn giải phóng dân tộc chống đế quốc, bè lũ tay sai của chúng và vua chúa bản xứ phản bội quyền lợi dân tộc. Các tổ chức phản đế phát triển nhanh chóng dưới hình thức bí mật và công khai. Ngày 19/5/1941 theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận Dân tộc Thống nhất chống phát xít Pháp, Nhật với tên gọi Việt Nam Độc lập Đồng minh – (gọi tắt là Việt Minh) được thành lập, lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Việt Minh và sẽ làm cờ Tổ quốc khi thành lập nước. Khẩu hiệu chính của Việt Minh là: Phản Pháp, kháng Nhật, liên Hoa, độc lập. Ngày 14-8-1945, Tổng bộ Việt Minh ra lời Hiệu triệu quốc dân đồng bào nêu rõ: “Phát xít Nhật đã gục đầu hàng Anh, Mỹ, Nga, Tàu... Trước cơ hội có một không hai ấy, toàn thể dân tộc ta phải đem hết lực lượng, dùng hết can đảm, bao quanh đạo quân Giải phóng Việt Nam, tung xương máu ra đánh đuổi giặc Nhật, đòi lấy tự do, hạnh phúc cho nhân dân”. Chỉ trong vòng 14 ngày, từ ngày 14-8 đến ngày 28-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và ngọn cờ của Việt Minh, hơn 20 triệu nhân dân ta từ Bắc đến Nam đã tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Giai đoạn (1945- 1954): Vừa mới ra đời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà phải đương đầu với nhiều khó khăn lớn và thách thức lớn, Việt Minh và Liên Việt (thành lập 1951) đã cùng nhau làm chỗ dựa vững chắc cho chính quyền cách mạng non trẻ đối phó với thù trong giặc ngoài. Năm 1951, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã đi vào giai đoạn quyết liệt với các chủ trương đường lối đúng đắn Đảng Lao động Việt Nam và sự ủng hộ tích cực của các Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ, các tổ chức chính trị, các nhân sĩ trí thức trong Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt, hai tổ chức Mặt trận được hợp nhất thành Mặt trận Liên Việt. Mặt trận Liên Việt đã góp phần động viên công sức của toàn quân, toàn dân lập nên chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ, đưa đến việc ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt nam.
Giai đoạn (1954-1977): Đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam, hất cẳng thực dân Pháp và phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ, âm mưu chiếm đóng miền Nam, chia cắt lâu dài nước ta. Trong bối cảnh đó, ngày 10/9/1955 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời với mục đích đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, đấu tranh đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy tác dụng to lớn của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã động viên đồng bào và chiến sĩ nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và hết lòng hết sức đáp ứng các yêu cầu của cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực tham gia cải tạo xã hội chủ nghĩa. Mặt trận đã tích cực góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, ra sức động viên nhân dân tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, xây dựng chính quyền cách mạng, phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế, thực hiện nếp sống mới, xây dựng con người mới. Tiếp đó vào ngày 20/12/1960 Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời đã ra sức củng cố và mở rộng khối đoàn kết dân tộc, tổ chức và động viên đồng bào và chiến sĩ miền Nam đẩy mạnh đấu tranh trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao. Ảnh hưởng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng không ngừng được mở rộng trong các tầng lớp nhân dân miền Nam và uy tín của Mặt trận đã được nâng cao trên trường quốc tế. Trong cao trào tiến công và nổi dậy đầu xuân Mậu Thân (1968) Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt Nam ra đời (20-4-1968). Kết tụ từ các phong trào đấu tranh yêu nước của các giới sinh viên, học sinh, trí thức, đồng bào tôn giáo, công thương gia, nhân sĩ dân chủ tại các thành thị miền Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt nam bằng những công tác trong nước và ngoài nước đã góp sức động viên xúc tiến các phong trào ấy, tăng thêm sức mạnh cho khối đoàn kết toàn dân, chống Mỹ cứu nước. Sau khi cả nước đã được độc lập, sự thống nhất và toàn vẹn của một quốc gia đòi hỏi hợp nhất 3 tổ chức mặt trận. Nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp từ 31-1 đến 4-2-1977 tại thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất ba tổ chức Mặt trận ở hai miền Nam Bắc nước ta thành một tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất duy nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Công cuộc đổi mới đất nước từ 1986 đến nay đã tạo ra những tiền đề thực tiễn rất mới mẻ. Cùng với quá trình tranh thủ nội lực, phát huy sức mạnh toàn dân, tư duy mới về chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Vấn đề phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân để thực hiện mục tiêu chính trị mà Đảng ta đề ra, trở thành yêu cầu, đòi hỏi bức xúc trong việc xác lập vị trí, vai trò của Măt trận.
Nghị Quyết Hội nghị lần thứ bảy BCHTW (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới đã chỉ rõ: “Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở, phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm, tình hình cụ thể của từng giai tầng xã hội, trong từng giai đoạn cách mạng’’.
Hiến pháp năm 2013 thể hiện rõ vị trí pháp lý của Mặt trận trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đoàn kết, tăng cường nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức Nhà nước”(2) . Trong thực tế lãnh đạo, có lúc, có nơi do nhiều nguyên nhân khác nhau “Đảng chưa đáp ứng được nhu cầu trong việc giải quyết nhiều vấn đề kinh tế-xã hội, trong phong cách lãnh đạo và cả trong rèn luyện phẩm chất cán bộ đảng viên”(3). Mặt trận là cơ sở quần chúng của Đảng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân để làm cho Đảng ngày càng liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Với vai trò liên minh chính trị “Mặt trận Tổ quốc không đứng ngoài cuộc mà cùng Đảng đồng tâm hiệp lực trong đội ngũ cách mạng kiên cường, khắc phục khó khăn, phấn đấu ổn định tình hình kinh tế - xã hội bằng những hành động cụ thể, nói đi đôi với làm”(4).
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX (baochinhphu.vn)
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu của Mặt trận đề ra. Mục tiêu chương trình hành động Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 – 2024 là “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tăng cường củng cố liên minh chính trị, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận xã hội, thúc đẩy tinh thần thi đua sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Kế thừa và phát huy vai trò lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam qua các thời kỳ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay chủ trương phát huy sức mạnh của truyền thống yêu nước từ ngàn xưa, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội, miễn là tán thành công cuộc đổi mới, để thực hiện mục tiêu giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Mặt trận là một bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên.
Hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2020), chúng ta càng tự hào về truyền thống yêu nước, vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, kế thừa và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là nhân tố cơ bản để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tập 12, tr.401.
(2) Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr 125.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr 123
(4) Trường Chinh: Về công tác Mặt trận hiện nay, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1972, tr 10.