Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” ngày 25-11-1945: Tầm nhìn chiến lược của Đảng Cộng sản Đông Dương

Thứ tư - 25/11/2020 08:55 168.383 0
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước ta đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Để giải quyết tình hình “thù trong, giặc ngoài”. Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra Chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc" ngày 25/11/1945. Chỉ thị là tuyên bố quan trọng của Đảng trong việc giải quyết tình hình đất nước và đề ra những nhiệm vụ mới, với khẩu hiệu “Dân tộc trên hết", "Tổ quốc trên hết".
       Sau chiến tranh thế giới thứ hai, tình hình thế giới có nhiều thay đổi to lớn, uy tín và địa vị của Liên Xô, thành trì hòa bình của chủ nghĩa xã hội được nâng cao trên trường quốc tế, bên cạnh đó phong trào cách mạng giải phóng dân tộc có điều kiện phát triển, trở thành một dòng thác cách mạng. Phong trào dân chủ và hòa bình cũng đang vươn lên mạnh mẽ, điều này có lợi cho các phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
       Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành lập, ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ Lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới về nền độc lập của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã đem lại cho cách mạng Việt Nam thế và lực mới. Đảng ta từ một đảng hoạt động bất hợp pháp trở thành đảng cầm quyền, nhân dân ta được giải phóng khỏi cuộc đời nô lệ, trở thành người làm chủ đất nước. Nước ta đứng trước những khó khăn, thách thức tưởng chừng khó vượt qua của thù trong, giặc ngoài và những khó khăn về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, mà chế độ thực dân phong kiến để lại, nằm trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc và các chính quyền phản động trong khu vực. Nước ta còn chưa nhận được sự giúp đỡ trực tiếp của các nước xã hội chủ nghĩa và lực lượng tiến bộ trên thế giới.
       Nền kinh tế vốn nghèo nàn, lạc hậu lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Nạn đói năm 1945 làm 2 triệu người chết, 90% số dân mù chữ. Ở miền Bắc: 20 vạn quân Tưởng ồ ạt tràn qua biên giới, kéo theo là “Việt Quốc, Việt Cách”, chúng lập chính quyền phản động ở một số nơi, cướp của giết người và chống phá chính quyền cách mạng. Ở miền Nam: quân Anh với danh nghĩa đồng minh kéo vào nước ta tiếp tay cho thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. “Tổ quốc lâm nguy! Vận mệnh dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc!”.
       Trước tình hình cấp bách, ngày 25-11-1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị về “Kháng chiến kiến quốc”. Chỉ thị là tuyên bố quan trọng của Đảng trong việc giải quyết tình hình đất nước và đề ra những nhiệm vụ mới. Chỉ thị phân tích những thay đổi căn bản về tình hình quốc tế và trong nước sau chiến tranh. Trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn trung ương Đảng đã đề ra những biện pháp cụ thể nhằm chống lại kẻ thù xâm lược, đồng thời giải quyết quyền lợi cho nhân dân. Chỉ thị xác định một số vấn đề cơ bản về đường lối và nhiệm vụ của toàn Đảng. Khẩu hiệu là Dân tộc trên hết – Tổ quốc trên hết”. “Kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng. Nhiệm vụ riêng trong nước là phải củng cố chính quyền chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân”(1). Nội dung của bản chỉ thị gồm 13 điều, đề cập tới toàn bộ hoàn cảnh trong nước cũng như quốc tế. Chỉ thị đề ra những nhiệm vụ cấp bách nhất mà cách mạng cần phải làm trong giai đoạn mới. Chỉ thị là bước chỉ đạo quan trọng khi tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến hết sức phức tạp, không có lợi cho cách mạng, tựu chung lại chỉ thị tập trung vào một số nhiệm vụ chính như sau:
      + Về chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân chống thực dân Pháp xâm lược và xây dựng đất nước, củng cố chính quyền nhân dân bằng cách kiên quyết trừng trị bọn phản quốc, tiến hành tổng tuyển cử để bầu Quốc hội, lập Chính phủ chính thức và ban hành Hiến pháp, có thể cải tổ chính phủ trước khi bầu cử, sửa đổi cách làm việc của chính quyền nhân dân địa phương.
     + Về quân sự, động viên toàn dân kiên trì kháng chiến, tổ chức lãnh đạo cuộc kháng chiến lâu dài, dùng lối đánh du kích với phương pháp bất hợp tác triệt để của nhân dân ở vùng địch chiếm đóng, mở rộng chiến tranh du kích ở Campuchia và phát triển tuyên truyền vũ trang trên đất Lào. 
    +Về ngoại giao, kiên trì chủ trương ngoại giao với các nước theo nguyên tắc “bình đẳng, tương trợ”. Phương châm là “làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết” và “muốn ngoại giao được thắng lợi là phải biểu dương thực lực”. Đối với Tưởng thì chủ trương Hoa – Việt thân thiện, đối với Pháp độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế.
     + Về kinh tế tài chính, mở lại các nhà máy do Nhật bỏ, khai thác các mỏ, cho tư nhân được góp vốn vào việc kinh doanh các nhà máy và mỏ ấy, khuyến khích các giới công thương mở hợp tác xã, mở các hội cổ phần tham gia kiến thiết lại nước nhà. Thực hiện khuyến nông sữa chữa đê điều, lập ngân hàng, phát hành giấy bạc, định lại ngạch thuế, lập ngân quỹ toàn quốc, các xứ, các tỉnh. Đẩy mạng tăng gia sản xuất, chống nạn đói theo khẩu hiệu: “Tấc đất tấc vàng", “Sẽ cơm nhường áo”, “Công việc cứu đói cũng cần như việc đánh giặc”.         
      + Về văn hoá, tổ chức bình dân học vụ, tích cực bài trừ nạn mù chữ, mở các trường đại học và trung học, cải cách việc học theo tinh thần mới, bài trừ cách dạy nhồi nhét, cổ dộng văn hóa cứu quốc, xây dựng nền văn hoá mới theo ba nguyên tắc: khoa học hoá, dân tộc hoá, đại chúng hoá.
       Chỉ thị nhấn mạnh: Muốn thực hiện được những nhiệm vụ trên đây, Đảng và Mặt trận Việt Minh phải được củng cố và phát triển:
     + Về Đảng, phải duy trì hệ thống tổ chức bí mật hay bán công khai, tuyển thêm đảng viên mới, chú trọng gây thêm cơ sở Đảng trong các xí nghiệp, mở rộng các tổ chức nghiên cứu chủ nghĩa Mác bao gồm những ai có khuynh hướng cộng sản hay có cảm tình với cộng sản, nhưng tổ chức phải do những người cộng sản điều khiển. Trong việc phát triển đảng viên, tăng cường tổ chức Đảng, bản Chỉ thị chỉ rõ, phải tránh cả hai khuynh hướng: Chỗ thì tổ chức Đảng hẹp quá, chậm quá, và chưa bỏ được cái bệnh hẹp hòi câu chấp của thời kỳ hoạt động hoàn toàn bí mật, chỗ thì tổ chức Đảng rộng quá, nhanh quá khiến cho những phần tử phức tạp có thể len vào Đảng. Đồng thời, Chỉ thị cũng nêu rõ: Các tổ chức Đảng phải giữ vững và duy trì sinh hoạt đều đặn, xây dựng, củng cố các chi bộ Đảng trong các cơ quan hành chính hay các hội hợp pháp; thành lập chi bộ trong quân đội, phối hợp sự hoạt động bí mật với hoạt động công khai, trong đó, hoạt động bí mật phải được đặc biệt coi trọng và không để cho các cơ quan bí mật trở thành xung đột hoặc đối lập với cơ quan công khai.
     + Về Mặt trận Việt Minh, hết sức phát triển các tổ chức cứu quốc, thống nhất các tổ chức ấy lên toàn kỳ, toàn quố; sửa chữa lại điều lệ cho các đoàn thể cứu quốc cho thích hợp với hoàn cảnh mới; mở rộng Mặt trận Việt Minh, lập các đoàn thể cứu quốc mới, giải quyết những mâu thuẫn giữa Uỷ ban nhân dân và Uỷ ban Việt Minh; củng cố quyền lãnh đạo của Đảng trong Mặt trận, thống nhất Mặt trận Việt Nam - Lào - Campuchia chống Pháp xâm lược. Chỉ thị còn đề ra các biện pháp thực hiện những nhiệm vụ cụ thể về chính quyền, kháng chiến ở Nam Bộ, về chống và đề phòng nạn đói, về tổng quyển cử...
      Chỉ thị là bước đi hợp lý, là biện pháp cần thiết sau khi giành chính quyền nhằm cũng cố chế độ, giải quyết những khó khăn của quần chúng càng làm tăng cường sự gắn bó chặt chẽ của nhân dân với cách mạng. Chỉ thị thể hiện sự sáng tạo trong việc giải quyết chỉ đạo chiến lược và sách lược của Đảng trong tình hình mới, chiến lược ở đây được hiểu là chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, còn sách lược ở đây là những biện pháp cụ thể có tính mềm dẻo, khôn khéo, giải pháp mang tính tạm thời nhưng vẫn hướng tới mục tiêu chiến lược đó là giải phóng dân tộc. 
        Bản Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, nhãn quan chính trị của một chính Đảng mới ra hoạt động công khai chưa bao lâu trên một loạt vấn đề liên quan trực tiếp tới sự nghiệp bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, bảo vệ Nhà nước dân chủ nhân dân - thành quả cao nhất của Cách mạng tháng Tám 1945, tạo tiền đề cơ bản đưa cách mạng Việt Nam tiến lên. Đó là việc xác định rõ tính chất và nhiệm vụ chiến lược của giai đoạn cách mạng từ sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám, xác định và phân loại chính xác kẻ thù, phương hướng cơ bản vừa kháng chiến vừa kiến quốc, một loạt giải pháp nhằm xây dựng và tăng cường thực lực cho cuộc kháng chiến, những quan điểm cơ bản về chỉ đạo chiến tranh và những nội dung chính của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh... Trong tình hình “nước sôi lửa bỏng” lúc bấy giờ, những chiến lược và sách lược được thể hiện trong bản Chỉ thị lịch sử “Kháng chiến kiến quốc” của Đảng Cộng sản Đông Dương thực sự là ánh sáng soi đường cho toàn dân, toàn quân trong cuộc chiến đấu nhằm bảo vệ sự sống còn của dân tộc./.
Tài liệu tham khảo:
(1) Việt Nam những sự kiện lịch sử (1945-1975), Nxb Hà Nội, Giáo Dục, Tr. 20.
(2) Chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương về Kháng chiến kiến quốc, ngày 25-11-1945, Văn kiện Đảng Toàn tập, CTQG, T.8, H, 2000. Những trích dẫn trong bài đều ở bản Chỉ thị này.

Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Huệ - Phạm Minh Triều

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

thuocladientu
 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay10,348
  • Tháng hiện tại206,496
  • Tổng lượt truy cập7,584,245
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây