Tình hình thế giới và trong nước cuối thập niên 1930 đầu thập niên 1940 đã đặt Đảng ta trước một yêu cầu phải chuyển hướng chiến lược chỉ đạo cách mạng. Trong bối cảnh đó, Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11-1939), do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì đã đề ra chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, xác định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, cấp bách của các dân tộc Ðông Dương. Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ đến tháng 6/1940, Pháp đầu hàng phát xít Đức. Lợi dụng cơ hội này, cuối tháng 9/1940, phát xít Nhật kéo quân vào Đông Dương, từ đây nhân dân ta lâm vào tình thế “một cổ hai tròng”. Tháng 11/1940, bọn quân phiệt Thái Lan theo lệnh phát xít Nhật tiến đánh Campuchia. Thực dân Pháp bắt lính Nam Bộ ra trận làm bia đỡ đạn cho chúng. Căm thù thực dân Pháp và được cổ vũ bởi tiếng súng khởi nghĩa Bắc Sơn, nhân dân Nam Bộ sục sôi tranh đấu, trước tinh thần đấu tranh của quần chúng, đặc biệt là tinh thần phản chiến của binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp. Trước tình hình đó Hội nghị Trung ương 7 (11/1940) nhận định điều kiện khởi nghĩa ở Nam Kỳ và trong cả nước chưa chín muồi, đề nghị Xứ ủy Nam Kỳ chưa nên phát động khởi nghĩa. Hội nghị phân tích tình hình và quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, giao cho đồng chí Phan Đăng Lưu nhiệm vụ là đặc phái viên của Trung ương trở lại ngay Nam Kỳ để phổ biến chủ trương trên. Đồng chí Phan Đăng Lưu mang lệnh hoãn khởi nghĩa của Trung ương về đến Sài Gòn nhưng lúc này kế hoạch khởi nghĩa đã ban bố tới cơ sở.
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra vào đêm 22 rạng 23-11-1940. Khởi nghĩa nổ ra ở hầu khắp các tỉnh từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ, ở Biên Hoà, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, đặc biệt quyết liệt ở Hóc Môn (Bà Điểm, Gia Định), Cai Lậy (Mỹ Tho), Vũng Liêm (Vĩnh Long). Cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện trong nhiều cuộc biểu tình và những nơi đã thành lập chính quyền cách mạng. Do kế hoạch khởi nghĩa bị lộ nên bị thực dân Pháp kịp thời đối phó, chúng lập tức huy động các lực lượng tiến hành một chiến dịch khủng bố trắng cực kỳ tàn khốc. Trong thời gian từ ngày 23-11-1940 đến ngày 31- 12-1940, ở các tỉnh Gia Định, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, thực dân Pháp bắt 5.848 người. Hàng ngàn người bị xử tử, bị đày ra Côn Đảo, đi các trại tập trung Tà Lài, Bà Rá. Nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng và hàng ngàn quần chúng cách mạng bị bắt, bị giết dã man, đặc biệt là các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai…
Sau khi bị đàm áp, lực lượng nghĩa quân ít ỏi còn lại rút về Truông Mít (Thủ Dầu Một), Bình Hoà, Bình Thành trong vùng Đồng Tháp và rừng U Minh để củng cố lực lượng. Do thời cơ chưa xuất hiện, khởi nghĩa Nam Kỳ đã thất bại. Song, cuộc khởi nghĩa biểu lộ lòng căm thù sâu sắc của nhân dân với đế quốc, tinh thần anh dũng quật khởi của quần chúng cách mạng. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ cùng với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng vũ lực của các dân tộc Đông Dương. Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã thể hiện tinh thần yêu nước, quật cường, bất khuất của nhân dân ta là bài học kinh nghiệm quí báu trong cao trào vũ trang cách mạng, giành chính quyền tiến tới thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa toàn quốc Tháng Tám năm 1945, dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Tượng đài Nam kỳ khởi nghĩa đặt trước Bảo tàng huyện Hóc Môn (cand.com.vn)
Tinh thần của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ là tinh thần quật khởi của dân tộc, tinh thần "vì nước, vì dân", tinh thần cách mạng tiến công không ngừng, quyết đi tới mục tiêu cuối cùng để mang lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đó là sự kế tục và phát huy truyền thống yêu nước, khí phách hào hùng, lịch sử vẻ vang của dân tộc ta trong thời đại mới, chiến đấu dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tinh thần cảm tử cho dân tộc quyết sinh của đồng bào, chiến sĩ khởi nghĩa Nam kỳ đã góp phần hun đúc nên lòng dũng cảm, chí kiên cường cho Đảng ta, cho nhân dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống lại giặc Pháp và Mỹ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Khởi nghĩa Nam kỳ để lại nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý báu cho Đảng ta, có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần, trong từng địa phương, mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn, mang tính chất của một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tập hợp các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo đoàn kết trong Mặt trận dân tộc thống nhất, tham gia khởi nghĩa trên qui mô rộng lớn khắp Nam kỳ, tạo nên phong trào cách mạng sâu rộng, qua cuộc đấu tranh đảng viên và nhân dân được thử thách, tôi luyện và trưởng thành thể hiện mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân vô cùng sâu sắc. Khi Đảng ra lời kêu gọi, hạ lệnh khởi nghĩa thì nhân dân yêu nước xông lên trận mạc, biểu thị sức mạnh to lớn, quyết chí chiến đấu, dù phải đổ máu hy sinh ngay cả khi cuộc khởi nghĩa bị dìm trong máu lửa, thì nhân dân vẫn luôn gắn bó với Đảng, một lòng bảo vệ Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng chờ lệnh phát động một cuộc khởi nghĩa sắp đến. Điều đó chứng tỏ rằng, chỉ có Đảng cộng sản với đường lối cách mạng đúng đắn, thể hiện sự trung thành nhất với quyền lợi của toàn dân tộc thì mới lãnh đạo được nhân dân theo Đảng làm cách mạng. Sự chuẩn bị điều kiện đầy đủ về mọi mặt, nhất là lực lượng cách mạng kết hợp với tình thế cách mạng đạt tới độ chín muồi để tạo thời cơ và biết chớp lấy thời cơ, phát động quần chúng nổi dậy thì mới bảo đảm cho cách mạng thành công.
Kỷ niệm 80 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa diễn ra vào thời điểm toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta đang thi đua lập thành tích chào mừng Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng, phát huy tinh thần và những bài học kinh nghiệm của cuộc khởi nghĩa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới nhân dân ta đang ra sức thực hiện giai đoạn cách mạng mới, xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là sự kế tục xứng đáng tinh thần quật khởi, oanh liệt, khí phách anh hùng cách mạng của khởi nghĩa Nam kỳ bất diệt./.