Kỷ niệm 90 năm Xô Viết - Nghệ Tĩnh (12/9/1930 – 12/9/2020): Tinh thần bất diệt của Xô Viết – Nghệ Tĩnh

Thứ sáu - 11/09/2020 00:37 1.486 0
90 năm Xô Viết – Nghệ tĩnh (12/9/1930 – 12/9/2020) đã trôi qua nhưng sức mạnh về sự đoàn kết của quần chúng đã làm nên một sự kiện lịch sử có giá trị to lớn đối với Đảng và nhân dân ta. Nó để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
            Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã kịp thời lãnh đạo nhân dân ta vùng lên đấu tranh chống thực dân xâm lược và phong kiến tay sai. Cao trào cách mạng đã diễn ra trên 25 tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là cuộc đấu tranh nhân ngày Quốc tế lao động 1/5/1930 đã đi vào lịch sử, là sự kiện mở đầu cho phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh. Nét nổi bật của của cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 ở Vinh – Bến Thuỷ là: “Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng xứ ta, công – nông – binh bắt tay nhau giữa trận tiền”. (1)
          Làn sóng đấu tranh của nhân dân Nghệ - Tĩnh phát triển mạnh mẽ, riêng tháng 6/1930 có 25 cuộc, tháng 7/1930 có 18 cuộc. Ngày 30/8/1930, hơn 3.000 nông dân huyện Nam Đàn nổi dậy tấn công huyện đường, giải thoát tù chính trị, buộc tri huyện Lê khắc Tưởng phải ký và đóng dấu vào bản yêu sách với lời cam đoan: Nam Đàn tri huyện, huyện quan, tự tư dĩ hậu bất đắc nhũng nhiễu nhân dân (Tri huyện Nam Đàn từ nay về sau không được nhũng nhiễu nhân dân). Sau đó đoàn biểu tình kéo về các tổng đốt phá các điếm canh, trừng trị bọn phản động gian ác. 
         Tiếp theo đó là cuộc biểu tình ngày 1/9/1930 của hơn 2 vạn nông dân 5 tổng của huyện Thanh Chương nổi dậy đấu tranh làm cho tri huyện, nha lại và lính tráng bỏ chạy, quần chúng kéo đến đốt huyện đường và thả tù chính trị. Đây được coi là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô Viết - Nghệ Tĩnh. 
          Đánh giá sự kiện này, báo “Người Lao khổ”, số đặc biệt, ngày 6/9/1930 của Xứ uỷ Trung Kỳ đăng tin: “ở Thanh Chương và Nam Đàn, không ai đóng thuế chợ và cũng không ai dám thu. Không ai đi tuần, lính không về canh gác. Đế quốc chủ nghĩa bắt triệt hạ, không ai thi hành. Anh em tự tha cho quốc sự phạm, tự chia cho dân cày nghèo đồn điền Ký Viễn và đất ruộng của giai cấp địa chủ. Anh em cứ tự do lập hội, tự do biểu tình. Thế là luật lệ của đế quốc bị tan tành”. (2)
         Tiêu biểu là ngày 12/9/1930 cuộc biểu tình của 8000 nông dân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), bị thực dân Pháp phát hiện. Chúng cho máy bay ném bom xuống đoàn biểu tình làm cho nhiều người chết và bị thương. Song sự đàm áp đó không ngăn cản được tinh thần và sức chiến đấu của quần chúng kéo đến các huyện lị phá nhà lao, đốt huyện đường, vây lính khố xanh…làm cho hệ thống chính quyền thực dân phong kiến tê liệt ở nhiều nơi.
          Ở những nơi giành được chính quyền, các tổ chức cơ sở đảng ở địa phương đã kịp thời lãnh đạo quần chúng thực hiện quyền làm chủ, tự đứng ra quản lý đời sống của mình, thực hiện nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo hình thức Xô Viết. Chính quyền Xô Viết cũng tỏ rõ bản chất cách mạng và tính ưu việt của mình - thực sự là một chính quyền của dân, do dân và vì dân.

 
2
Ngày 9/12/1961, về thăm quê nhà lần thứ hai, Bác Hồ chụp ảnh với chiến sĩ phong trào
Xô Viết - Nghệ Tĩnh 1930 – 1931. Ảnh tư liệu (baoquankhu4.com.vn)
             Sự kiện này đã đánh dấu một bước ngoặt trên con đường đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, giành chính quyền cho nhân dân ta.
          Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, thực hiện chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, việc hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, cơ chế phù hợp với xu thế phát triển thời đại và nguyện vọng, lợi ích thiết thực chính đáng của nhân dân để hình thành động lực, sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp đổi mới đang là nhiệm vụ cấp bách, to lớn của Đảng và Nhà nước ta. Vấn đề đặt ra là hình thành và hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, cơ chế như thế nào để sự phát triển của đất nước phải thực sự gắn liền với lợi ích vật chất - tinh thần của mọi tầng lớp, mọi con người để từ đó phát huy được sức mạnh của quần chúng nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
          Tư tưởng vĩ đại của Bác Hồ và khát vọng cháy bỏng của các chiến sĩ Xô Viết -  Nghệ Tĩnh là giữ vững nền độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, đưa nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, có nhà để ở và tiến tới được ăn ngon, mặc ấm, mặc đẹp, có nhà ở khang trang, ai cũng được học, học có chất lượng, người có bệnh được chữa bệnh chu đáo mọi người sống với nhau có nghĩa có tình, đầm ấm, hạnh phúc... Đó chính là động lực cách mạng to lớn trong thời kỳ mới. 
3
Thế hệ thanh niên trẻ thăm Bảo tàng Xô Viết - Nghệ Tĩnh (btxvnt.org.vn)

           90 năm đã trôi qua nhưng khí thế ngất trời của Xô Viết -  Nghệ Tĩnh những năm 30 của thế kỷ XX vẫn luôn bừng cháy trong mỗi người dân yêu nước Việt Nam, nhất là vào những thời điểm có tính bước ngoặt của dân tộc. Tinh thần Xô Viết - Nghệ Tĩnh không chỉ đồng hành cùng nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc mà còn tiếp tục giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay. /.     
(1) Đảng cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1998, t.2, tr.62.
(2) Báo " Người Lao Khổ ", sau đổi tên là Lao Khổ. Cơ quan ngôn luận của Xứ ủy Trung Kỳ, số đặc biệt, ngày 6/9/1930.

                                                                                                   
                                                                  

Tác giả bài viết: Phạm Minh Triều - Nguyễn Minh Huệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập183
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm181
  • Hôm nay4,270
  • Tháng hiện tại111,290
  • Tổng lượt truy cập9,312,947
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây