Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ

Thứ ba - 21/07/2020 22:30 2.191 0
“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Ngày thương binh liệt sĩ - 27/7 là một trong những ngày để nhân dân ta thể hiện truyền thống quý giá ấy. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân, tấm gương sáng của tư tưởng nhân văn đó.
         Khi đất nước bị xâm lược bởi thực dân, đế quốc, lớp lớp thanh niên nam nữ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã lên đường, chung sức, đồng lòng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Họ đã hi sinh cả mạng sống của mình cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Hồ Chí Minh – người đã bôn ba hơn 30 năm đi tìm đường cứu nước, cùng đấu tranh nhằm giải phóng cho dân tộc luôn thấu hiểu những mất mát lớn lao này. Người luôn dành tình cảm đặc biệt với thương binh, liệt sĩ và gia đình có công với Tổ quốc. Thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân, tấm gương sáng của tư tưởng nhân văn đó.
          Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ là Chủ tịch nước, mặc dù bận rất nhiều công việc kiến quốc, đất nước lại đang trong cảnh thù trong, giặc ngoài, Người vẫn luôn nhớ đến công ơn của các thương binh, liệt sỹ. Trong bức thư đăng trên báo Cứu quốc ngày 7-1-1946, Người viết: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những liệt sỹ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập, thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mạng, hoặc trong thời kỳ kháng chiến, tôi gửi lời chào thân ái đến các gia đình liệt sỹ và tôi nhận các con liệt sỹ làm con nuôi của tôi ”. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, dù còn bộn bề với bao công việc của một nước Việt Nam non trẻ, nhưng Người đã gửi thư tới đồng bào Nam bộ, trong thư có đoạn viết: Tôi kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng.
          Tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh, liệt sĩ” để nhân dân ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, biết ơn đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với đất nước. Thực hiện chỉ thị đó của Người, hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, khối và tỉnh họp ở xã Phú Minh (Đại Từ, Thái Nguyên) bàn bạc, nhất trí, đề nghị lấy ngày 27-7-1947 làm “Ngày Thương binh, liệt sĩ” trong cả nước.
          Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều sáng kiến phát động các phong trào nhân dân giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Năm 1948, Người gửi thư cho các cháu nhi đồng phát động phong trào công tác Trần Quốc Toản nhằm giúp đỡ các gia đình bộ đội, gia đình thương binh, liệt sĩ. Năm 1951, Người phát động phong trào "Đón thương binh về làng" để Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các làng, xã giúp đỡ thương binh những công việc phù hợp để họ có thể tự tin sinh sống, hoà nhập với cộng đồng. Không chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi mộc mạc, chân thành, giản dị, xúc động lòng người mà tình cảm của Người còn thể hiện bằng những hành động cụ thể hằng ngày. Bác trích một phần lương của mình, các món quà của đồng bào kính tặng, để tặng cho các đồng chí thương binh.
          Bác cũng luôn động viên thương binh phấn đấu trở thành những người ”tàn nhưng không phế”, hăng hái, lạc quan đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người dặn: “Khi đã khôi phục sức khoẻ, các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất, để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận. Tôi cùng đồng bào luôn luôn nhớ đến các đồng chí”[1]. Đồng thời, Bác chỉ ra những công việc thật cụ thể, phù hợp để anh em thương binh sẽ tuỳ sức mà làm những công việc nhẹ, như học may, đan lát, hớt tóc hoặc giúp việc phòng giấy, việc bình dân học vụ trong làng…  
          Người cũng lưu ý anh em thương binh, bệnh binh phải hòa mình với nhân dân, tôn trọng nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân, tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật, chớ bi quan, chán nản, phải luôn luôn cố gắng, sẽ tùy điều kiện mà xung phong tăng gia sản xuất…
          Những hành động của Bác thể hiện sự tự hào về những người đã hy sinh sự sống của mình cho độc lập của Tổ quốc. Trước lúc đi xa, Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta Bản Di chúc lịch sử, trong đó có phần viết về chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người đã kinh qua chiến đấu. Bác viết: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần "tự lực cánh sinh"[2]
          Ngày nay, sống trong cảnh đất nước thống nhất, thanh bình và ngày càng phát triển, chúng ta càng nhớ tới công lao và sự hy sinh to lớn của các thương binh, liệt sĩ. Mỗi chúng ta từ những việc làm nhỏ bé, thiết thực hãy làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh và gia đình chính sách, nhằm góp phần sẻ chia và bồi dưỡng về lòng yêu nước, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta; về lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 
 
 
 

[1]  Những lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, Nxb. Sự thật, HN 1962, tập 5, tr. 471
 
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 15, tr.616.
 

Tác giả bài viết: Vũ Minh Thanh

Nguồn tin: Trường Chính trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập32
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm27
  • Hôm nay8,088
  • Tháng hiện tại86,236
  • Tổng lượt truy cập8,613,300
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây