Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho phù hợp. Tháng 3-1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4-1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam. Cao trào kháng Nhật cứu nước lúc này diễn ra mạnh mẽ, đầu tháng 5-1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước và chuẩn bị Đại hội Quốc dân. Ngày 4-6-1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập, đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời, trở thành căn cứ địa của cả nước.
Ngày 15-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, Chiến tranh Thế giới lần thứ hai kết thúc. Theo thỏa thuận của các nước Đồng minh, sau khi phát xít Nhật đầu hàng, quân đội Anh và Tưởng sẽ vào Đông Dương để giải giáp quân đội Nhật. Trong khi đó, thực dân Pháp lại tỏ rõ ý định tranh thủ thời cơ dựa vào quân Đồng Minh để khôi phục lại vị trí Pháp ở Việt Nam. Lúc này đế quốc Mỹ đứng sau quân Đồng Minh và Pháp đã sẵn sàng can thiệp vào Đông Dương, năm 1945 phong trào cách mạng ở nước ta lên cao.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) phân tích tình hình thế giới và trong nước đã kết luận: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Hội nghị cũng đề ra ba nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: Tập trung, thống nhất, kịp thời. 23 giờ ngày 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi, chính quyền cả nước về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịc sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, từ đó, ngày 2-9 là Ngày Quốc khánh của nước ta.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng, quyết định là sự đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng; sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta. Đảng có phương pháp, chiến lược, sách lược, nghệ thuật cách mạng phù hợp, nhận thức đúng thời cơ, chớp lấy thời cơ và tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Truyền thống yêu nước, thương người, tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, bất khuất chống ngoại xâm của nhân dân ta, được Đảng lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện, thử thách trong chiến tranh, nhân dân ta đã quyết tâm đứng lên giành lại nền độc lập cho dân tộc, sẵn sàng hy sinh chiến đấu vì dân, vì nước, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cách mạng tháng Tám thành công để lại ý nghĩa lịch sử, đó là:
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ vận mệnh của mình. Việt Nam từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, nổi bật là:
Một là, có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Đảng có đường lối cách mạng đúng đắn, có phương pháp và hình thức đấu tranh phù hợp; biết nắm bắt thời cơ; phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, lãnh đạo, tập hợp, cổ vũ, động viên quần chúng đứng lên giành chính quyền.
Hai là, Đảng chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia, tạo ra thời cơ cách mạng và đưa cách mạng đến thành công. Đảng và Nhà nước ta đã tin vào dân, dựa vào nhân dân, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần để đấu tranh chiến thắng với thù trong giặc ngoài và giữ vững chính quyền. Xóa bỏ chế độ cũ, lập ra nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ba là, vấn đề nắm bắt được thời cơ, đề ra được những quyết định chính xác và kịp thời. Nghệ thuật chỉ đạo tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chọn đúng thời cơ, ra quyết định Tổng khởi nghĩa đúng lúc thể hiện cụ thể trong chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng tháng 3-1945 “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc phát đi đêm 13-8-1945.
Bốn là, phát huy sức mạnh đoàn kết, tập hợp lực lượng công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, học sinh, trí thức, tiểu thương, tư sản, địa chủ, binh lính, không phân biệt dân tộc, đảng phái, tôn giáo để tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đoàn kết mọi lực lượng dân tộc trong Mặt trận Việt Minh để đánh đổ chính quyền phátxít và phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc, xây dựng chính quyền cách mạng của nhân dân lao động.
Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh ngày 2- 9 -1945, chúng ta càng nhận thức đầy đủ trách nhiệm của các thế hệ hôm nay trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá của Cách mạng Tháng Tám vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, Đảng và nhân dân ta đang quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đai hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong điều kiện thế giới và khu vực có những diễn biến, phức tạp vừa phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, vừa xây dựng kinh tế, phát triển đất nước, chống lại dịch bệnh. Do đó, việc vận dụng sáng tạo, hiệu quả các bài học kinh nghiệm nêu trên vào nước ta hiện nay là hết sức quan trọng, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam./.