NHÂN DÂN TRONG TƯ TƯỞNG CỦA NGUYỄN TRÃI

Thứ hai - 05/05/2025 19:08 16 0

 

Nguyễn Trãi (1380-1442) là một danh nhân kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, được UNESCO vinh danh năm 1980. Ông có đóng góp lớn trong nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học tự nhiên và xã hội.

Về quân sự, Nguyễn Trãi được xem là một nhà chiến lược. Ông đưa ra nhiều tư tưởng quan trọng như “lấy dân làm gốc”, “quân cốt tinh không cốt đông”, chiến lược “tâm công” (đánh vào lòng người)... Những tư tưởng này thể hiện qua tác phẩm Bình Ngô sách và đã góp phần vào chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn trước giặc Minh. Ở lĩnh vực chính trị, Nguyễn Trãi thể hiện tầm nhìn sâu rộng, chủ trương chính sách ngoại giao mềm dẻo, chú trọng đời sống nhân dân, chống tham nhũng và trọng dụng hiền tài. Ông cũng đề xuất các biện pháp ổn định triều đình, ngăn chặn tranh giành quyền lực như: yêu cầu quan lại phải hết sức chú ý đến đời sống của nhân dân; dập tắt mọi xung đột, tranh giành trong gia đình vua, từ các phi tần trở đi; giáo dục người kế vị vua một cách nghiêm túc, khéo léo, tích cực; chú ý đến thi cử, kén chọn và trọng dụng những người hiền tài vào làm quan; chống tham nhũng, xa hoa, nịnh bợ, lập bè kết cánh trong hàng ngũ các quan lại; ngăn chặn bọn nội giám nịnh bợ, diệt các mầm loạn từ bên trong, ngăn chặn chúng ảnh hưởng đến vận nước... Về khoa học tự nhiên, ông để lại “Dư địa chí,” một công trình nghiên cứu giá trị về địa lý và tài nguyên nước ta. Trong văn học nghệ thuật, Nguyễn Trãi nhấn mạnh sự gắn kết giữa nghệ thuật với nhân dân, đề cao tâm hồn con người trong âm nhạc.

Các phẩm quan trọng của Nguyễn Trãi bao gồm: Quân trung từ mệnh tập (lệnh, chiếu biểu thay vua viết, các thư từ gởi cho tướng giặc); văn loại (bức thư cổ nhất là năm 1423); Văn bia Vĩnh Lăng (1433); Dư địa chí (1435); Băng hồ di sự lục (1428). Chí Linh sơn (phú núi Chí Linh); Cầu mộng ở đền Dạ Trạch; Một bức thư gởi cho Nguyễn Thị Lộ; Biểu tạ ơn (1440- 1441); Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo (1428), Quốc âm thi tập (thơ chữ Nôm), Ức Trai thi tập (thơ chữ Hán). Ngoài ra còn có các công trình khác đã thất lạc hoặc đang trong quá trình thẩm định: Thạch Khánh đồ và bài biểu (1437) (nay đã mất);    Ngọc Đường di cảo- Giao tự đại lễ và luật thư (đều mất);Lam Sơn thực lục (đang trong quá trình nghiên cứu thẩm định).

Nguyễn Trãi là một nhà tư tưởng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, không chỉ bởi tài năng quân sự, chính trị mà còn bởi những quan điểm tiến bộ vượt thời đại. Một điều nổi bật trong tư tưởng của Nguyễn Trãi là ông luôn đặt nhân dân vào vị trí trung tâm trong tư tưởng của mình, coi dân là gốc của quốc gia, là sức mạnh quyết định sự hưng thịnh hay suy vong của triều đại. Nguyễn Trãi nhấn mạnh vai trò của nhân dân, thể hiện rõ trong tư tưởng “khoan thư sức dân” và quan niệm “Đẩy thuyền là nước mà lật thuyền cũng là nước”. Chính vì thế, tư tưởng nhân dân của Nguyễn Trãi không chỉ sâu sắc mà còn mang tính tiến bộ, đặt nền móng cho các tư tưởng chính trị và quản lý đất nước sau này.

1. Lí tưởng vì nhân dân xuyên suốt, nhất quán  

Dưới ý thức hệ phong kiến, Trung, Hiếu với vua là trung hiếu với nước. Vua và nước hòa làm một. “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” (Vua bảo bề tôi chết mà bề tôi không chết là không trung thành). Chính vì thế, trung với vua, kể cả hôn quân, bạo chúa, cũng là trung với nước. Ví như Ngũ Tử Tư thù ghét tổ quốc mình là nước Sở, trung với vua Ngô nhưng vẫn được xem là “trung thần”; Kinh Kha, Dự Nhượng… sẵn sàng xả thân vì muốn đáp đền ơn tri ngộ.

Nho giáo vào Việt Nam từ đầu công nguyên là có sự ra sức truyền bá của các quan lại Trung Quốc trong thời kì Bắc thuộc mà tiêu biểu là Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp, Tích Quang. Năm 1070, với sự kiện Lý Thánh Tông cho lập Văn miếu thờ Chu Công, Khổng Tử thì có thể xem đây là mốc thời gian Nho giáo được tiếp nhận chính thức. Từ triều Lê trở đi, Nho giáo thành quốc giáo của Việt Nam, là công cụ phục vụ đắc lực cho việc cai trị. Thời Gia Long phổ biến hai tư tưởng: “trọng văn khinh võ” và “trọng quan khinh dân”. P. Pasquier trong sách L`Annam d`autrefois (An Nam thời xưa)  nhận định về quyền lực của quan lại như sau: các quan thi hành quyền lực của mình như thể vua thường trực giao cái quyền ấy cho họ, mà nhà vua thì có đủ tất cả các loại quyền hành, cho nên đại diện nhà vua cũng nắm tất cả các quyền hành. Bởi vậy thời này làm quan là con đường tư lợi nhanh nhất và phổ biến nhất mặc dù lương bổng rất ít. Chính vì vậy mà đời sống nhân dân dưới sự thống trị của chế độ phong kiến vô cùng cực khổ. Đơn cử “Năm 1820, bệnh dịch giết hại 206.835 người; những năm 1849 đến 1850 bệnh dịch giết hại 589.460 người. nạn đói thường xảy ra hơn. trong nạn đói lớn những 1856- 1857, hàng chục vạn dân Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ bị chết. Mỗi lần có nạn đói như vậy nhà vua có ra lệnh cứu tế, phát chẩn song mưa mưa móc đã chẳng thấm tới đâu, lại còn là một dịp để cho triều đình, quan lại và địa chủ cường hào khoét đẽo dân một cách tệ hại và bỉ ổi hơn nữa.[1].

Thuyết thiên mệnh (mệnh trời) của nho giáo ăn sâu bám rễ trong đời sống xã hội không chỉ vua quan mà cả các tầng lớp tứ dân. Chính vì vậy, mọi việc thành bại đều đổ tại mệnh trời đến nỗi những bậc trí thức xưa ngao ngán mà thốt lên rằng: “Thuyết mệnh trời làm cho dân ta bị trở ngại. nước yếu không quy trách nhiệm cho chính sự tồi tệ, quốc dân bất tài mà lại nói vận số không phải do người quyết định. lụt lội hạn hán không trách cứ là không có kế hoạch tiêu nước kịp thời, không phòng ngừa đói kém, mà lại nói thiên tai không phải do người gây nên. dịch bệnh lan tràn thì nói con người sống chết có số, để phòng cũng vô ích. cùng làm một nghề, kẻ thành người bại, cũng lại nói họ gặp may, ta gặp rủi. than ôi! sao lại có cách nói tự hại mình đến thế?” (Quốc dân độc bản, 1907)[2].

Nguyễn Trãi là bậc trí thức bước ra từ cửa Khổng sân Trình, vì thế ông am hiểu sâu sắc các triết lí Nho gia. Trung hiếu, nghĩa quân thần, đạo phụ tử được ông nói nhiều trong các tác phẩm của mình. Ngay từ bé được học từ cha ông ngoại, tất cả những điều ấy ảnh hưởng sâu sắc đến Nguyễn Trãi:

                    Nếp nhà thi lễ nòi giống thần minh, có hoài bão một lòng vì nước”.

                                                   (Chuyện cũ về Băng Hồ tiên sinh).

          Nguyễn Trãi miệt mài đèn sách với quan niệm học để “Trọn niềm trung hiếu”. Trung hiếu là phẩm chất lí tưởng sống của ông:

                    Bui có một niềm trung hiếu cũ,

                      Chẳng nằm thức dậy nẻo ba canh

                                                  (Bài 158- Bảo kính cảnh giới)

Và:

 Bui có một lòng trung liễn hiếu,
          Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen

(Bài 24- Thuật hứng)

          Nguyễn Trãi là một nhà nho vì thế điều tất yếu những đạo đức nho giáo phải được ông am hiểu và vận dụng một cách sâu sắc nhưng không phải ông bê nguyên xi vào nếp tư duy, sự hành động của mình. Trung - Hiếu trong quan niệm của Nguyễn Trãi mang nội hàm mới hoàn toàn tiến bộ.

Năm 1407, giặc Minh sang xâm lược đất nước ta. Cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh bị bắt và đày sang Trung Hoa. Nhà Hồ điêu đứng. Ngoài thì ngoại xâm, trong thì lòng dân không yên. Ông đi theo cha và được cha khuyên nên trở về mà nuôi chí lớn, trả thù cho cha, trả thù cho nước. Cha Nguyễn Trãi đã nói với con như sau: “Con nên trở về lập chí, rửa thẹn cho nước, trả thù cho cha, như thế mới là đại hiếu, hà tất cứ vướng vít bên cạch cha, để cho ngày tháng mòn mỏi mới là hiếu hay sao?[3] Ông nghe lời cha, quay trở lại nung nấu một ý chí căm thù quân xâm lược. Nguyễn Trãi nếu theo ý thức hệ phong kiến về trung, hiếu thì sẽ không có chuyện ông theo lời cha quay trở về hòa mình vào quần chúng nhân dân mà nuôi chí lớn trả thù cho nước, trả thù cho cha. Như vậy ngay từ đầu, Nguyễn Trãi đã có một cái nhìn tương đối khác biệt bề trung, hiếu, nghĩa vua tôi. Bầy tôi không thể thờ hai chúa. Đó là nguyên tắc “bất di, bất dịch”. Ở Nguyễn Trãi, ông luôn nhìn nhận, phải theo bậc minh quân. Hành động tìm lê lợi và dâng “Bình Ngô sách” nói lên điều đó.

          Nguyễn Trãi không  bao giờ trung thành tuyệt đối một cách máy móc với một ông vua. Càng không trung thành với bậc hôn quân, bạo chúa. Ông không tham gia cộng tác cùng với Trần Quỹ, Trần Quý Khoáng… không tin vào những kẻ chỉ biết đại diện riêng cho lợi ích của nhà Trần. Ông cho rằng: Vua chân chính phải soi xét từ chổ u uẩn, phải cân nhắc từng li, từng tý, phải am hiểu, phải lo lắng… Trong chiếu số 6 ông viết:

          Xưa kia ta gặp thời túng loạn, dựng nghiệp khó khăn, hơn hai mươi năm mới lên nghiệp lớn. Tình dân đau khổ đều được tỏ tường, đường đời gian nan cũng đã từng trải, thế mà đến lúc trị dân, tình ngay dối có điều khó rõ, việc nghi nan còn chỗ chưa phân, đạo làm vua há chẳng khó sao”.

Nhân nghĩa của Nho gia nhất là ở Mạnh Tử được hình thành trên cơ sở mâu thuẫn đấu tranh giữa các tiểu vương quốc, chư hầu thời Xuân Thu chiến quốc. Và đến Nguyễn Trãi, tư tưởng nhân nghĩa ấy đã được ông tiếp thu vận dụng để nêu cao lòng yêu nước chống ngoại xâm. Rõ ràng những quan niệm của Nguyễn Trãi về các phạm trù cơ bản của Nho giáo là hoàn toàn có những yếu tố mới. Có được những điều mới, tiến bộ ấy bởi vì tất cả những triết lí của nho giáo được ông tiếp thu và thực hành trên cơ sở an dân. Có thể nói, nhân dân là mục tiêu, là lí tưởng mà cả cuộc đời Nguyễn Trãi hướng tới cống hiến.

          Chính vì điều đó, Nguyễn Trãi tỏ ra thù ghét quyền chuyên chính: “theo ý mình mà ức lòng người tất đếu trăm năm oán giận” (Chiếu số 3). Ông cho rằng việc của ai làm thì ngưòi đó phải chịu trách nhiệm, không phải bậc quyền thế thì được ưu tiên:

                    Tội ai cho nấy cam danh phận

                      Chớ có thân sơ mới trượng phu

                                                  (Bài 25- Bảo kính cảnh giới)

Điều này được minh chứng rõ qua thái độ hả hê của ông trong Biểu tạ ân dâng lên Lê Thái Tông khi ông vua trẻ này thẳng tay trừng trị bọn quyền thần: giết tể tướng Lê Sát, Hạ Đăng Đắc, giáng chức bọn tay chân của Lê Sát là Lê Văn Linh, Lê Hy…:

Thương thần như ngựa đến tuổi già, còn kham rong ruổi,

                    cho thần như thông qua năm rét, còn rạng tuyết sương

                    Quần ngôn mặc kệ gièm pha:

 thánh ý cứ bền tín nhiệm.

 Khiến cho suy nát trở lại quang hoa

 chức giữ Đông đài thực việc triều đình rất trọng.

 Việc kiêm tam quản ấy đều nho giả cực vinh.

 Huống ban quốc tính để rạng tông môn,

 lại với công thần xếp cùng hạng liệt.

 Cảm mà chảy nước mắt, mừng mà sợ trong lòng.

Thậm chí Nguyễn Trãi còn mắng thẳng vào mặt của viên Nội mật viện Nguyễn Thúc Huệ và học sĩ Lê Cảnh Xước vì muốn đổi vài chữ trong biểu văn ông soạn dâng lên cho vua Lê Thái Tông vào tháng 5 năm Giáp Dần (1434) nhằm sang nhà Minh cầu phong và dâng sản vật: “Đổi với chác gì? Hai ông giỏi sao không viết thay tôi? Hiện nay trong nước đương hạn hán, mà sở dĩ có cái tai nạn ấy, chính là tự lũ các ông. Các ông chỉ là đồ thích sưu cao thuế nặng, vơ vét của dân cho nhiều, nên trời mới giáng tai tỏ ý trừng phạt.

Xuất phát từ lợi ích của nhân dân, Nguyễn Trãi không quản thân mình, dũng cảm can gián vua khi được giao nhiệm vụ trông nom việc làm xe loan và định nhã nhạc: “Thời hoạn nạn thì dùng võ, thời bình thì dùng văn; ngày nay định ra lễ nhạc chính là phải thời lắm. Song không có gốc thì không thể đứng vững, không có văn thì không thể lưu hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng theo chiếu chỉ thẩm định nhã nhạc, không dám không hết lòng. Song học vấn sơ sài, nông cạn sợ trong áng thanh luật khó làm cho được hài hòa. Dám mong bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăm nuôi muôn dân khiến cho trong thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu. Đó tức là giữ được cái gốc của nhạc.[4].

Điều canh cánh lo sợ ở Nguyễn Trãi là sợ làm Mất lòng dân.

Đọc sách thì thông đòi nghĩa sách

Đem dân, mựa nữa mất lòng dân.

                                                   (Bài 57- Bảo kính cảnh giới)

Tấm lòng yêu nước thương dân của Nguyễn Trãi luôn xuyên suốt cả cuộc đời ông. Một điều đáng nói đến là ở tuổi hai mươi, Nguyễn Trãi đã làm đến chức Chánh chưởng ở đài ngự sử. Môt chức quan xét nét, phê phán những thói hư tật xấu của vua quan trong triều. Làm công việc can gián vua, để vua luôn là bậc minh quân thì việc làm của Nguyễn Trãi chẳng khác nào luôn muốn cho đất nước muôn đời thịnh vượng. Nguyễn Trãi phải là một con người liêm minh, chánh trực thì mới bị bọn đại thần sâu mọt căm ghét.

Chính vì tư tưởng an dân, Nguyễn Trãi luôn luôn ghi nhận và biết ơn công lao của các bậc đế vương đã làm rạng danh nước Đại Việt ngàn năm văn hiến: “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập”( Bình Ngô đại cáo)

Trong Bản sắc văn hóa Việt Nam, Phan Ngọc đã nhận định xác đáng rằng: “Người Việt Nam là con người tổ quốc luận, tức là đối với anh ta, tổ quốc lớn hơn tất cả.[5]. Nhân dân ta luôn theo chính nghĩa mà hành động. Khi nhà Trần lật đổ nhà Lý, nhân dân ta vẫn xăm lên vai mình hai chữ  Sát Thát để chống quân Nguyên xâm lược. Nguyễn Trãi không bao giờ có quan niệm trung với một dòng họ nào mà ông nhất quán, tổ quốc là của nhân dân chứ không phải là của riêng một triều đại nào. Gặp thời suy, Nguyễn Trãi luôn tỉnh táo tìm cách rút lui một cách khéo léo để bảo toàn thanh danh. Về ở ẩn nhưng ông vẫn nặng nợ với nước:

                    Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

                      Dân giàu đủ khắp đòi phương

                                                  (Bài 43- Bảo kính cảnh giới).

 Có thể thấy rằng, cho đến năm 1434, chưa bao giờ giữa triều đình phong kiến mà những tư tưởng dân chủ lại được bộc lộ một cách mạnh mẽ như vậy.

2. Lật thuyền mới rõ dân như nước

Trong ý thức hệ phong kiến có những yếu tố tích cực. Khổng Tử khẳng định: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh (dân là quý nhất, tiếp đến mới đến xã tắc và cuối cùng mới đến vua)… Tuy nhiên, Từ khi Nho giáo trở thành công cụ đắc lực phục vụ cho các tầng lớp thống trị thì chân lí của Khổng Tử chỉ còn là khẩu hiệu. Nguyễn Trãi là người tiếp thu một cách có chọn lọc và ông đã vận dụng triệt để câu nói ấy vào trong mọi tư tưởng và hành động của mình. Chính vì vậy, xét trong bối cảnh xã hội phong kiến, vấn đề đề cao nhân dân là một tư tưởng rất tiến bộ của Nguyễn Trãi. Ở bài “Đóng cửa biển” (Quan hải), ông khẳng định:

                    Lật thuyền mới rõ dân như nước

                      Cậy hiểm khôn xoay mệnh ở trời”.

Mười năm trường Nguyễn Trãi ẩn mình trong sự đùm bọc của nhân dân. Ông hiểu sâu sắc đời sống của nhân dân. Càng gắn bó và càng căm thù giặc. Lòng yêu nước của Nguyễn Trãi nồng nàn, tha thiết hàm chứa tình yêu thương cha, yêu thương quê hương đất nước, yêu thương những người dân chân chất cần cù phải cơ dưới ách thống trị ngoại bang. Nguyễn Trãi tìm ra chân lí có giá trị cho mọi thời đại: muốn cứu nước phải dựa vào dân. Ông tìm đến với Lê Lợi. Sống và chiến đấu cùng với nhân dân. Tấm lòng yêu nước, thương dân của ông càng thêm  rực lửa. Hòa mình và nhân dân, Nguyễn Trãi rất hiểu nhân dân. Ông thấu cảm đời sống nhân dân. Xót xa trước những tội ác mà giặc Minh gây cho dân ta:

Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng.
          Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu nước độc.
          Vét sản vật, bắt dò chim trả, chốn chốn lưới chăng.
          Nhiễu nhân dân, bắt bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.
          Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,
          Nheo nhóc thay kẻ goá bụa khốn cùng.

(Bình Ngô đại cáo)

          Trong những bức thư gởi cho tướng giặc thì điều mà Nguyễn Trãi thường quan tâm đó là cuộc sống của nhân. Ông thường nhắc đến những nỗi khổ cực lầm than của nhân dân với lòng thông cảm sâu sắc: Nước mày nhân dịp họ hồ lỗi đạo, muợn tiếng điếu dân phạt tội, kỳ thực làm việc bạo tàng, lấn cướp đất nước ta, bốc lột nhân dân ta, dân mọn xóm làng không được sống yên”.(Lại thư trả lời Phương Chính).

          Hay Ông từng đặt ra câu hỏi cho tướng giặc như thế này:

                    Nhẫn lòng làm cho người ta phải bồ côi cha, vợ người ta phải góa chồng, lòng của người nhân đức có ai chịu làm thế không?

                                                  (Thư gửi cho Vương Thông )

Tấm lòng yêu nước của Nguyễn Trãi cũng đồng nhất với tấm lòng thương dân của ông.

Nguyễn Trãi cũng phân biệt một cách rõ ràng giữa vua quan triều Minh với nhân dân Trung Quốc. Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi chỉ thẳng kẻ thù số một của nhân dân ta là Tuyên Đức (vua nhà Minh) và bọn vua quan trong triều đình ấy:

Thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng
          Đồ nhút nhát Thạnh, Thăng đem dầu chữa cháy
          Đinh mùi tháng chín, Liễu Thăng đem binh từ Khâu Ôn kéo lại
          Năm ấy tháng mười, Mộc Thạnh chia đường từ Vân Nam tiến sang.

Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà mở đầu Bình Ngô đại cáo, an dân được ông tuyên ngôn đầu tiên là mục tiêu, là lí tưởng: 

                    Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

                      Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.

          Nhân dân đã được Nguyễn Trãi đưa lên trang trọng ở đầu, vị trí nhân dân cao nhất. Ông  đã nhận thức được sức mạnh của quần chúng nhân dân. Trong quá trình lịch sử của mình, những chiến thắng oanh liệt đều do nhân dân, do sức mạnh của quần chúng nhân dân. Nguyễn Trãi đã phân tích sự diệt vong của nhà Trần là vì: “Cậy mình giàu, mặc dân khốn khổ”. “Dân nhân căm ghét mà không biết

          Chiến thắng quân Minh năm 1428 làm rạng danh non sông Đại Việt cũng là nhờ vào Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã biết vận dụng và phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân:

                    Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ bay phấp phới;

                      Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào.”

(Bình Ngô đại cáo)

Trong Quân trung từ mệnh tập, Nguyễn Trãi cũng đã phân tích những nguyên nhân sẽ dẫn đến thất bại của quân thù mà trong đó yếu tố nhân dân là yếu tố quan trọng:

                    Luôn động can qua, liên tiếp đánh dẹp, người sống không vui, nhao nhao thất vọng

                                                  (Lại thư dụ Vương Thông)

          Hay: Trời và người không ưa, vận hưng thịnh gần hết, là một điều đáng thua

                                                  (Lại gửi thư trả lời cho Vương Thông)

Truyền thống văn hóa dân tộc ta đề cao vai trò của người dân, thậm chí còn có những câu ca dao đả kích vua, “hạ bệ” vua quan nữa:

                    Chiếu vua Minh Mạng ban ra

                      Cấm quần không đáy người ta hãi hùng

                      Không đi thì chợ không đông

                      Đi thì tranh mất quần chồng sao đang”…

          Tư tưởng Nguyễn Trãi cũng vậy, Ông cho rằng:

                    Làm người mựa cậy khi quyền thế

                      Có thuở bàn cờ tốt đuổi xe

                                              (Bài số VIII- Trần tình- Quốc âm thi tập)

          Yêu nước ở Nguyễn Trãi cũng đồng nghĩa với yêu nhân dân. Nguyễn Trãi luôn quan niệm: tổ quốc là của nhân dân, vận mệnh của tổ quốc là do nhân quyết định. Để nhận thức được vấn đề này, ông đã phải trải qua cuộc sống trong sự đùm bọc của nhân dân. Nguyễn Trãi suốt cả cuộc đời mình gắn bó với nhân dân. Ở ông, tổ quốc và nhân dân là một.

Nguyễn Trãi là kết tinh truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Tấm lòng yêu nước, suốt đời vì dân, vì nước của Nguyễn Trãi là kết tinh của truyền thông bao đời nay của dân tộc. Lê Trí Viễn cũng đã đánh giá: “Nguyễn Trãi xứng đáng là nhà yêu nước lớn[6]. Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức kỉ niệm 600 năm ngày sinh Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã viết: “Dân tộc ta rất tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất vì độc lập, tự do, suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước và rất tự hào về nền văn hóa Việt Nam lâu đời và đẹp đẽ, đầy tinh thần yêu nước nồng nàn và chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc. Nguyễn Trãi là một danh nhân vừa tiêu biểu cho truyền thống anh hùng, vừa tiêu biểu cho nền văn hóa ưu việt của dân tộc[7].

“Tin dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của Nhân dân” trong tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh là sự kế thừa và phát triển tư tưởng chính trị truyền thống của dân tộc: “nước lấy dân làm gốc”, “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Đồng thời đó là sự tiếp thu sâu sắc trong nhận thức, tình cảm và hành động theo nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lê nin: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.

Hiện nay, việc sắp xếp tổ chức bộ máy công quyền theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Chúng ta đều hiểu rõ, cuộc cách mạng nào cũng đều phải trả giá, hy sinh. Thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, chắc chắn sẽ có một bộ phận lớn cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách nhà nước... dôi dư, mất việc làm, ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, chúng ta xác định đây là một cuộc cách mạng tạo động lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Sự đồng thuận, kỳ vọng của nhân dân chính là cơ sở, nền tảng tinh thần vững chắc để Đảng, Nhà nước ta quyết tâm, quyết liệt thực hiện bằng được mục tiêu, yêu cầu đã đề ra.

Nhận thức được vai trò sức mạnh của quần chúng nhân dân, biết dựa vào dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân là tư tưởng xuyên suốt và tiến bộ của Nguyễn Trãi. Điều đó chẳng những đem lại những giá trị lý luận và thực tiễn ở thời đại Nguyễn Trãi mà trong thời đại ngày nay, nó vẫn là chân lý mà con người phải nhận thức và hành động. Tư tưởng Nguyễn Trãi về sức mạnh của nhân dân là tư tưởng mang tầm thời đại, đúng cho tất cả mọi giai đoạn lịch sử.



[1] Trần Văn Giàu, Tổng tập, (Tập 3), Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2008, tr. 43

[2] Vương Trí Nhàn, Trần Văn Chánh, Người xưa cảnh tỉnh, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, TP. HCM, 2018, tr.43-44.

[3] Bùi Văn Nguyên, Văn chương Nguyễn Trãi, Nxb Đại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1984.

[4] Viện Sử học, Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2020, tr.16.

[5] Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 2018, tr. 35.

[6] Lê Trí Viễn- Đoàn Thu Vân, Học tập thơ văn Nguyễn Trãi,  Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1994.

[7] Chương Thâu, Trên đường tìm hiểu sự nghiệp thơ văn Nguyễn Trãi, (Mục I- Mục đích và ý nghĩa việc k niệm Nguyễn Trãi), Nxb Văn học, Hà Nội,  1980.

 

 

 

Tác giả bài viết: Vũ Minh Thanh - Phạm Văn Duy - Lớp TC LLCT K159

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay8,764
  • Tháng hiện tại139,128
  • Tổng lượt truy cập10,205,081
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây