VAI TRÒ CỦA VIỆC THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRỰC TIẾP Ở CẤP CƠ SỞ Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Thứ tư - 23/04/2025 11:26 31 0
Dân chủ trực tiếp là sự tham gia trực tiếp của người dân vào chính sách và quản lý, nhất là ở cấp địa phương, thông qua các cuộc họp và các hình thức khác để nêu ý kiến với các cấp có thẩm quyền của Nhà nước. Mới đầu, sự tham gia của người dân tập trung vào việc bầu cử. Hiện nay, hình thức dân chủ trực tiếp được chú trọng nhiều hơn. Bởi ngay cả khi dân chủ đại diện phát triển, nếu chỉ dựa vào các điều kiện dân chủ trong các cuộc bầu cử thì vẫn chưa đủ để bảo đảm sự tham gia của người dân.

1. Khái niệm thực hiện dân chủ trực tiếp

Dân chủ trực tiếp là sự tham gia trực tiếp của người dân vào chính sách và quản lý, nhất là ở cấp địa phương, thông qua các cuộc họp và các hình thức khác để nêu ý kiến với các cấp có thẩm quyền của Nhà nước. Mới đầu, sự tham gia của người dân tập trung vào việc bầu cử. Hiện nay, hình thức dân chủ trực tiếp được chú trọng nhiều hơn. Bởi ngay cả khi dân chủ đại diện phát triển, nếu chỉ dựa vào các điều kiện dân chủ trong các cuộc bầu cử thì vẫn chưa đủ để bảo đảm sự tham gia của người dân.

Để thực hành dân chủ trực tiếp, người dân cần tích cực hơn trong việc nắm bắt thông tin (dân biết), tham gia thảo luận (dân bàn), triển khai (dân làm), kiểm tra, giám sát (dân kiểm tra) các chủ trương, biện pháp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nghị định (năm 1998) và sau đó Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở cơ sở xã, thị trấn, phường (năm 2007) đã phân biệt những mức độ tham gia khác nhau của người dân địa phương vào hoạt động của chính quyền và các quyết định quản lý.

2. Vai trò của việc thực hiện dân chủ trực tiếp ở cấp cơ sở

Thứ nhất, tạo động lực to lớn để phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của các tầng lớp nhân dân ở địa bàn cơ sở cho sự phát triển đời sống mọi mặt ở địa phương nhằm mang lại lợi ích cho nhân dân. 

Bởi, cấp cơ sở ở xã, phường là nơi tập trung sinh sống và làm việc của đông đảo các tầng lớp dân cư thuộc nhiều giai tầng, ngành nghề, dân tộc, tôn giáo và trình độ khác nhau. Do vậy, đây sẽ là lực lượng hùng hậu đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển và nâng cao đời sống mọi mặt của địa phương cũng như của đất nước nếu như chúng ta biết phát huy sức mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần của các lực lượng này. Bởi vì, suy cho cùng, mỗi bước phát triển, chuyển mình đi lên của đất nước đều phụ thuộc vào sự vận động, phát triển của địa phương. Hơn nữa, để hiện thực hóa trong đời sống xã hội đặc trưng: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng hiện nay thì phải bắt đầu hiện thực hóa mục tiêu này ngay từ cấp cơ sở. Tuy nhiên, muốn phát huy được sức mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần của các tầng lớp nhân dân ở địa bàn cơ sở cũng như hiện thực hóa được mục tiêu của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay thì đòi hỏi phải biết khơi dậy, phát huy được tính tự giác, tích cực, chủ động và sáng tạo của các tầng lớp nhân dân ở nơi cơ sở cho sự phát triển. Và điều kiện để khơi dậy được tính tự giác, tích cực, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân ở cơ sở cho sự phát triển thì đòi hỏi phải thực hiện tốt dân chủ cơ sở trong đó có thực hiện tốt hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp cấp cơ sở. Do nhận thức được tầm quan trọng của thực hành dân chủ cơ sở và dân chủ trực tiếp cấp cơ sở đối với việc phát huy tinh thần tự giác, tích cực, chủ động và sáng tạo của quần chúng nhân dân cho sự phát triển nên Đảng ta đã sớm đề ra chủ trương thực hành dân chủ cơ sở trong đó có thực hành dân chủ trực tiếp ở các kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là ở Đại hội Đảng lần thứ XIII , Đảng chủ trương “Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở, chống các biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng[1]. Nhờ có chủ trương đúng đắn nói trên của Đảng ta nên đã giúp cho mỗi người dân thấy được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở nơi họ đang sinh sống và làm việc. Vì vậy, đã khơi dậy được tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, và sự đóng góp về của cải vật chất và trí tuệ của mỗi người dân cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như cho quá trình xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Nhờ vậy, đã giúp cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay đạt được những thành tựu to lớn để phục vụ nhân dân.

Thứ hai, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở.

Chủ thể thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi ở nước ta hiện nay đó chính là người dân địa phương. Nói cách khác, nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia này có được thực hiện thành công hay không là phụ thuộc vào vai trò của người dân địa phương. Còn về phía Đảng và Nhà nước thì chỉ tạo cho người dân địa phương cơ chế, chính sách để họ tự thực hiện, chứ không thể làm thay họ được, đúng như khẳng định của tác giả Đinh Văn Thụy và Hà Thị Thùy Dương trong bài viết Phát huy vai trò của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trong xây dựng nông thôn mới được đăng trên tạp chí Lý luận Chính trị-số 7/2018, trong đó các tác giả cho rằng: “Việc xây dựng nông thôn mới không thể áp đặt từ trên xuống dưới với những ý chí được áp đặt từ bên trên mà phải là sự nghiệp cách mạng do chính chủ nhân của nông thôn tiến hành, đó chính là người dân nông thôn. Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới thể hiện ở chỗ, họ chính là người tham gia xây dựng kế hoạch, chương trình, tổ chức thực hiện và là người thụ hưởng những thành quả của sự nghiệp xây dựng nông thôn mới ở địa phương mình.” Do vậy, việc Đảng và Nhà nước ta triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở, trong đó có dân chủ trực tiếp cấp cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi để mỗi người dân được trực tiếp tham gia vào quá trình bàn bạc, thảo luận, đóng góp ý kiến để giải quyết các vấn đề thuộc nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia nói trên như: kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thu, chi ngân sách của địa phương; xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển sản xuất; quy hoạch sử dụng đất... Đây đều là các vấn đề quan trọng, bởi vì, nó gắn liền với quyền lợi và nghĩa vụ của người dân. Thông qua việc người dân được thực hiện các quyền dân chủ của mình, đó là các quyền: được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, được giám sát và đặc biệt là quyền được thụ hưởng. Những thành tựu đạt được từ quá trình thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia nói trên đã tạo cho người dân sự phấn khởi để phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, sức sáng tạo và của cải vật chất để tiếp tục thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia để đạt được kết quả cao hơn nữa. Nhờ những thành tựu đạt được từ việc thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia nên đời sống-xã hội mọi mặt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số nước ta đã phát triển mạnh mẽ, góp phần giải quyết được các các tệ nạn xã hội, tình trạng mất dân chủ, tình trạng thất nghiệp và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân,v.v...

Thứ ba, góp phần hiện thực hóa phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” của Đảng để bảo đảm thực thi quyền lực của nhân dân trong thực tế. Đồng thời, tạo nên sự đồng thuận, thống nhất cao và sự gắn kết sức mạnh giữa các cộng đồng dân cư ở nơi cơ sở.

 Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ” vừa là cơ chế, vừa là quy trình thực hiện dân chủ . Đồng tình với quan điểm trên của tác giả, song tác giả luận án cho rằng, giữa các quyền dân chủ của người dân ở cấp cơ sở được thể hiện ở phương châm nói trên của Đảng ta thì luôn có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại với nhau. Bởi vì, chỉ khi nào người dân thực hiện được quyền dân chủ này thì mới tạo tiền đề cho sự hình thành và thực hiện các quyền dân chủ khác tiếp theo của họ ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong số các quyền dân chủ trực tiếp cấp cơ sở nói trên của người dân, theo tác giả luận án, quyền “Dân được biết thông tin” đóng vai trò quyết định để hình thành nên các quyền dân chủ tiếp theo của họ. Đồng thời, cũng giúp cho quá trình thực hiện các quyền dân chủ khác của người dân trở nên thực chất, thực sự là tiếng nói và việc làm của người dân, tránh được dân chủ hình thức, dân chủ áp đặt từ phía các cơ quan hành chính và cơ quan quyền lực nhà nước, thậm chí là cả sự áp đặt đến từ các cá nhân trong cơ quan nhà nước ở địa phương để tư lợi, khiến cho dân chủ bị áp đặt, không có ý nghĩa gì đối với người dân. 

Để hiện thực hóa các quyền dân chủ nói trên của người dân, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra phương hướng, “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội [2]Đây là chủ trương thiết thực, phù hợp với lòng dân ở nơi cơ sở. Trên thực tế, chỉ khi nào những nhu cầu, đòi hỏi về lợi ích chính đáng của người dân được họ tự quyết định, tự thực hiện và họ được hưởng thụ những thành tựu đã đạt được từ chính kết quả lao động sáng tạo của bản thân thông qua việc thực hiện các quyền dân chủ của mình thì khi đó mới xây dựng thành công tình đoàn kết gắn bó giữa nhân dân với Đảng, với chính quyền ở cơ sở. Đồng thời, tạo nên sự đồng thuận, thống nhất cao trong xã hội giữa các tầng lớp nhân dân. Thêm vào đó, cũng giúp cho các tầng lớp nhân dân ở cơ sở tự giác nhận thức được việc thực hiện dân chủ trực tiếp cấp cơ sở là thực sự cấp thiết như là cơm ăn, áo mặc, nhà ở của mình hàng ngày, để không đứng ngoài cuộc, không xem việc thực hiện dân chủ trực tiếp cấp cơ sở là công việc của các cơ quan và đại biểu dân cử hoặc của các thành viên trong cộng đồng, mà phải xem đó là công việc của mình cần phải làm, vì lợi ích của chính mình và cộng đồng của mình. Có thể nói, nội hàm của phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ” của Đảng ta đã đề cập tới hai nội dung cơ bản: một là, chủ thể thực hiện dân chủ trực tiếp cấp cơ sở đó là người dân; hai là, đề cập tới quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người dân trong quá trình thực hiện quyền dân chủ của mình ở địa phương. Cả hai nội dung này đều nằm trong mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau một cách biện chứng.

Thứ tư, thực hiện hiệu quả dân chủ trực tiếp cấp cơ sở sẽ góp phần kiểm soát được quyền lực, ngăn ngừa được sự tha hóa quyền lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chính quyền cơ sở. Đồng thời, góp phần xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị ở cơ sở theo hướng ngày càng trong sạch và vững mạnh.

Theo quy định của Hiến pháp Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam “Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” [3]Tuy nhiên, khi quyền lực Nhà nước tập trung trong tay một số ít người, nếu không có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, thì nó rất rễ bị lạm dụng, dẫn tới tình trạng lộng quyền, độc đoán, quan liêu, xa rời nhân dân, thậm chí trở thành phương tiện để mưu lợi cá nhân. Do vậy, việc thực hiện dân chủ trực tiếp cấp cơ sở sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và được giám sát toàn bộ hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy cơ quan Nhà nước. Qua đó góp phần thực hiện tốt công tác phòng chống tham ô, lãng phí, ức hiếp người dân ở một bộ phận cán bộ có chức, có quyền nhưng đã bị thoái hóa biến chất. Mặt khác, nếu chúng ta thực hiện dân chủ trực tiếp cấp cơ sở trong lĩnh vực bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố một cách nghiêm túc, đúng quy định pháp luật thì có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để loại bỏ những đại biểu dân cử kém đức, kém tài ra khỏi bộ máy Nhà nước và các cơ quan dân cử, nhờ vậy, mà nâng cao được chất lượng hoạt động của các cơ quan dân cử vì lợi ích của nhân dân, v.v...

Cùng với thực hiện dân chủ gián tiếp thì thực hiện dân chủ trực tiếp cấp cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa sự tha hóa quyền lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước như sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không, muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa, kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định sẽ bớt đi” [4] Đồng thời, thực hiện tốt dân chủ trực tiếp cấp cơ sở cũng góp phần xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị ở cơ sở theo hướng ngày càng trong sạch và vững mạnh. Có thể nói, chủ trương thực hiện dân chủ trực tiếp cấp cơ sở của Đảng ta là một chủ trương đúng đắn, kịp thời đã được Đảng nhấn mạnh ở các kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là ở Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng đã chỉ rõ “Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa; quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch; vững mạnh; cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị -xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên; tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc”[5]  Và để thể chế hóa chủ trương nói trên của Đảng ta, thì vừa qua, tại Kỳ họp lần thứ 4, Quốc hội Việt Nam khóa XV (ngày 10/11/2022) đã chính thức thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Có thể nói, với việc Quốc hội Việt Nam ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đã cho thấy, Đảng và Nhà nước ta ngày càng nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn về vai trò phát huy dân chủ cơ sở, trong đó có dân chủ trực tiếp đối với việc khắc phục những khuyết tật của bộ máy Nhà nước. Đồng thời, cũng tạo ra cơ chế pháp lý để nhân dân ở xã, phường, thị trấn trên phạm vi cả nước thực hiện tốt quyền lực của mình ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội để mang lại lợi ích cho bản thân và cho đất nước.  

Thứ năm, phát huy được vai trò, sức mạnh to lớn của các chủ thể để thực hiện thắng lợi quá trình thực hiện dân chủ trực tiếp cấp cơ sở nhằm mang lại lợi ích cho nhân dân.

Tham gia vào quá trình thực hiện dân chủ trực tiếp cấp cơ sở ở xã, phường, thị trấn ở nước ta hiện nay thì có nhiều chủ thể khác nhau cùng tham gia thực hiện. Có thể phân chia thành hai nhóm chủ thể chính gồm: nhóm chủ thể thứ nhất đó là: đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan chính quyền địa phương (Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân xã, phường,) và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội. Ngoài ra còn có thêm đội ngũ cán bộ giúp việc cho chính quyền địa phương đó là câc: Trưởng thôn, Trưởng khu dân cư, Trưởng bản và Tổ trưởng tổ dân phố. Nhóm chủ thể thứ hai đó là người dân địa phương thuộc các giai cấp, tầng lớp, các dân tộc, ngành nghề, tôn giáo và giới tính khác nhau. 

Vấn đề đặt ra để cùng suy nghĩ trả lời câu hỏi đó là, Vậy, hai nhóm chủ thể nói trên có vị trí, vai trò như thế nào trong quá trình thực hiện quyền lực của nhân dân ở cơ sở? Hai nhóm chủ thể nói trên có vị trí, vai trò khác nhau trong quá trình thực hiện hình thức dân chủ trực tiếp cấp cơ sở ở xã, phường, thị trấn. Cụ thể, nhóm chủ thể thứ nhất được gọi chung là nhân dân thì luôn đóng vai trò quyết định trong việc thực thi quyền lực của mình. Điều này được thể hiện, người dân có quyền ra mệnh lệnh để yêu cầu các cơ quan công quyền ở địa phương và các cá nhân giúp việc cho chính quyền địa phương phải thực hiện. Còn nhóm chủ thể thứ hai được gọi chung là các cơ quan công quyền ở địa phương và cán bộ ở khu, thôn, bản và tổ dân phố được nhân dân ủy quyền. Họ có vị trí, vai trò đó là thay mặt nhân dân để thực thi mệnh lệnh và quyền lực của nhân dân. Sự khác nhau về  chức năng, vị trí và vai trò của hai nhóm chủ thể nói trên trong quá trình thực thi quyền lực của nhân dân ở cơ sở đã được khẳng định ở Điều 6, Hiến pháp năm 2013 của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.



[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 96

[2]  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 38

[3] Hiến pháp  năm 2013 của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 134

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập V, tr 287;

[5] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 366

Tác giả bài viết: Ths. Phan Anh Trà

Nguồn tin: Trường Chính trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập38
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay8,669
  • Tháng hiện tại258,607
  • Tổng lượt truy cập10,059,517
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây