Giáo dục lý luận chính trị là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. Giáo dục lý luận nhằm giác ngộ lý tưởng cách mạng, nâng cao nhận thức chính trị, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cao cả của cách mạng Việt Nam. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, việc nghiên cứu và học tập lý luận chính trị là một yêu cầu cần thiết và cấp bách, thường xuyên và lâu dài đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Học tập lý luận chính trị, bao gồm nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Đây là yêu cầu thường xuyên, hằng ngày, cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên.
Lịch sử phong trào cộng sản và công nhân thế giới đã chứng minh rằng, bất kỳ chính đảng nào muốn lãnh đạo phong trào cách mạng thành công đều phải có một lý luận cách mạng soi đường. Nói cách khác, một chính đảng mạnh bao giờ cũng phải có chủ nghĩa “làm cốt” và nền tảng lý luận khoa học dẫn đường. Nếu không, chính đảng ấy sẽ mất phương hướng, “lúng túng như nhắm mắt mà đi” và tất yếu, cách mạng sẽ khó thành công, thậm chí thất bại. Lý luận cách mạng là điều kiện tiên quyết để hình thành và thúc đẩy phong trào cách mạng. V.I. Lênin đã nhấn mạnh: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng” và “chỉ Đảng nào được lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong”. Ông đã khẳng định vai trò to lớn của công tác giáo dục, coi đây là một điều kiện đảm bảo thắng lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo đó, V.I. Lênin đã chỉ ra phương pháp giáo dục lý luận chính trị mới, “bản thân nhà giáo dục cũng phải được giáo dục” và “nhà trường phải trở thành công cụ của chuyên chính vô sản, nghĩa là nhà trường không những phải truyền bá những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản nói chung, mà còn phải là một công cụ để truyền bá ảnh hưởng về tư tưởng, về giáo dục”. Có thể thấy, các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác - Lênin rất coi trọng công tác giáo dục lý luận và khẳng định vai trò quan trọng của công tác giáo dục lý luận đối với sự thành công của cách mạng. Đào tạo đội ngũ cán bộ giàu tri thức, thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin được coi là yêu cầu cơ bản hàng đầu của mỗi đảng cộng sản.
Tiếp thu tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, đào tạo con người xã hội chủ nghĩa không có con đường nào khác ngoài giáo dục cho họ tri thức khoa học, lý tưởng và đạo đức xã hội chủ nghĩa. Con người được đào tạo “… nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hoá, chính trị, kỷ luật, cần phải học lý luận Mác - Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày”. Trong đó, Người đặc biệt yêu cầu phải giảng dạy lý luận Mác - Lênin cho mọi người, “trước hết phải lấy những tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lênin làm gốc”. Bởi vì, Người hiểu rất rõ về vai trò của công tác giáo dục lý luận chính trị trong việc xây dựng một tổ chức Đảng mácxit.
Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiên cứu nắm vững, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, đề ra đường lối chính trị đúng đắn, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng. Đường lối đó đã thấm sâu vào quần chúng nhân dân thông qua công tác giáo dục lý luận chính trị do Đảng tiến hành, với những hình thức, phương pháp phong phú và sinh động, nhằm nâng cao ý thức chính trị, giác ngộ cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vì vậy, Đảng ta đã huy động được sức mạnh toàn dân tộc làm nên những thành tựu và thắng lợi rực rỡ của cách mạng Việt Nam.
Công tác giáo dục lý luận chính trị có vai trò to lớn trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện đó đánh dấu bước ngoặt căn bản của lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài mấy chục năm. Đó là kết quả của quá trình nghiên cứu, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, là sự chuẩn bị tích cực và đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cán bộ cách mạng tiền bối. Công tác giáo dục lý luận chính trị có vai trò to lớn trong công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta luôn luôn trong sạch, vững mạnh, có đủ sức lãnh đạo phong trào cách mạng.
Từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam cho thấy: chỉ có kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, biết vận dụng và phát triển sáng tạo vào thực tiễn mới làm cho hoạt động giáo dục lý luận chính trị đi đúng hướng và ngày càng có hiệu quả; góp phần làm sáng tỏ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, hoàn thiện đường lối chính trị, giải đáp những vấn đề mà cuộc sống đặt ra.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay tình hình thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi, thời cơ và thách thức đan xen; xung đột giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới vẫn đang xảy ra phức tạp và trở nên căng thẳng. Nguy cơ chiến tranh cục bộ vẫn còn. Các thế lực thù địch vẫn thực hiện mưu đồ “diễn biến hoà bình”, nhằm kích động bạo loạn, gây bất ổn chính trị ở nhiều quốc gia. Với sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 bên cạnh sự ảnh hưởng tích cực, có nhiều vấn đề an ninh quốc gia cần đề phòng, xem xét từ khía cạnh an ninh mạng, “chiến tranh phi truyền thống”. Về văn hoá – xã hội, các nước nhỏ yếu, đang đứng trước cuộc “xâm lăng văn hoá” từ các cường quốc tìm mọi cách xâm nhập vào các quốc gia nhỏ, bé…
Trước bối cảnh đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đúng đắn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của học tập lý luận chính trị, còn có những biểu hiện ít quan tâm, xem nhẹ, coi thường việc học tập lý luận chính trị;xem việc học lý luận chính trị là của ai đó, chứ không phải của mình; cho nên xác định động cơ, mục đích học tập lý luận chính trị chưa đúng. Đó là một trong những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị rất nguy hiểm, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những trường hợp, cán bộ, đảng viên khi tiếp xúc với quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch thì tỏ ra lúng túng, thiếu lý lẽ để đấu tranh cho chính bản thân mình và đấu tranh bác bỏ quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch, nhằm bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có biểu hiện thứ ba: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Đại hội XIII nhận định, những hạn chế, tồn tại trong công tác giáo dục lý luận chính trị, là một trong những nguyên nhân làm cho: “một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”. Cho nên, phải “Khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”. Có thể khẳng định, phòng, chống tình trạng lười học tập lý luận chính trị là vấn đề cấp thiết, quan trọng hàng đầu đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, qua đó nâng cao trình độ lý luận chính trị; kịp thời nhận diện, phòng ngừa và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, nhân dân hiện nay.
Từ thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên còn lười học, ngại học lý luận chính trị, ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã yêu cầu: Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận, Đảng ta phải tự nâng cao mình lên nữa, mà muốn tự nâng cao mình thì phải tổ chức học tập lý luận trong toàn Đảng, trước hết là trong cán bộ cốt cán của Đảng. Có thể nói, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành phương châm chỉ đạo việc học tập, đào tạo cán bộ của Đảng. Do đó, vận dụng sáng tạo, linh hoạt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận chính trị và sự cần thiết, cấp bách phải nâng cao hơn nữa công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.
Thứ nhất, Cần chú trọng hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền để các cấp ủy, tổ chức đảng và nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên nhận thức rõ việc học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận là quyền lợi và trách nhiệm của mình; coi đó là nhu cầu tự thân, việc làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ suốt cuộc đời, không bao giờ là đủ. Phải làm cho mọi cán bộ, đảng viên ở các cơ quan, đơn vị nhận thức rõ vai trò quan trọng của lý luận trong nâng cao năng lực, trình độ và phương pháp tư duy, năng lực lãnh đạo, để từ đó xây dựng động cơ, ý thức, trách nhiệm trong học tập lý luận chính trị. Cần lựa chọn nội dung, thời gian, hình thức bồi dưỡng phù hợp cho từng cấp, từng đối tượng. Kiên quyết đấu tranh, khắc phục triệt để cách nhìn nhận học lý luận chính trị vì lý do thăng tiến, để được đề bạt, bổ nhiệm.
Thứ hai, thực hiện nghiêm quy định, chế độ học tập lý luận chính trị gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng yêu cầu: “Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương”.
Thứ ba, Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, phải coi việc học tập lý luận chính trị là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi cán bộ, đảng viên và phải được quy định thành chế độ để mọi người tự giác thực hiện nghiêm túc. Đưa chế độ tự học tập, nghiên cứu lý luận chính trị thành tiêu chí bắt buộc trong hoạt động của cán bộ, đảng viên. Thường xuyên cung cấp thông tin về những quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước đến cán bộ, đảng viên một cách kịp thời bảo đảm tính trung thực, đầy đủ, chính xác, khách quan, khoa học.
Thứ tư, không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị theo hướng lý luận phải gắn với thực tiễn, phục vụ nhu cầu của người học làm cho giờ học nghị quyết trở nên sinh động, hấp dẫn. Trong quá trình giảng dạy, phải lựa chọn nội dung cốt lõi nhất để giảng dạy, truyền thụ, nội dung ngắn gọn, súc tích, cô đọng, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ tổ chức thực hiện; kết hợp tuyên truyền miệng với sử dụng hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng; đội ngũ báo cáo viên phải được lựa chọn kỹ, thực sự là những người có phẩm chất tốt, có kỹ năng và năng lực truyền đạt nghị quyết.
Thứ năm, thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, lấy kết quả học tập lý luận chính trị làm thước đo phẩm chất, năng lực, phân loại của cán bộ, đảng viên. Sau mỗi đợt học tập nghị quyết, cần tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, gắn với nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên; đề cao trách nhiệm chính trị và tính tự giác, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong học tập và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng. Cán bộ, đảng viên giữ cương vị càng cao, càng phải gương mẫu học tập, nói và làm theo đúng nghị quyết của Đảng.
Các Mác đã khẳng định: lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất, nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng. Do đó, đẩy mạnh giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên là vấn đề cấp thiết, quan trọng hàng đầu đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Đây là biện pháp tốt nhất, tích cực nhất để giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nâng cao trình độ lý luận chính trị, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, thấm nhuần lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối quan điểm, chính sách của Đảng, Pháp luật Nhà nước, tình hình thực tiễn của địa phương và đất nước; để phòng ngừa và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, nhân dân để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên dân tộc vươn mình./.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 273 - 274
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 93,
3. C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin và I.V. Xtalin: Bàn về giáo dục, Nxb. Sự thật Hà Nội, 1976. tr. 151.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 383.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 49.
Tác giả bài viết: Trần Thị Quỳnh
Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước
Ý kiến bạn đọc