KỶ NIỆM 50 NĂM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 – 30/4/2025): CHIẾN THẮNG MÙA XUÂN 30/4/1975 – BẢN HÙNG CA BẤT DIỆT CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

Thứ hai - 28/04/2025 00:12 40 0
Mùa Xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Chỉ huy của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, quân và dân ta đã thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đi vào lịch sử như một chiến công hiển hách nhất của dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ trong thế kỷ XX và đây là thắng lợi vĩ đại nhất của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng ta lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam.

Vào đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, do phải chịu thất bại nặng nề trên chiến trường và bế tắc trong việc hoạch định phương thức thực hiện chiến tranh và do áp lực mạnh mẽ của phong trào phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam nên Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và rút quân về nước. Tuy nhiên, do bản chất xâm lược, hiếu chiến, tàn bạo và nham hiểm, Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ kinh tế, quân sự cho ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn để thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Trước âm mưu, thủ đoạn và hành động chiến tranh mới của địch trên chiến trường, phân tích một cách khoa học, khách quan và toàn diện tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch cùng xu thế phát triển của cuộc chiến tranh nhân dân; Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (30/9/1974 - 07/10/1974) và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (18/12/1974 - 08/01/1975) đã ra Nghị quyết lịch sử: Quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm (1975 - 1976). Tuy kế hoạch đề ra trong 02 năm, song Bộ Chính trị yêu cầu phải tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của thời cơ và khi thời cơ đến sớm thì phải nhanh chóng chớp thời cơ, tiến quân thần tốc giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.

1. Tóm lược diễn biến của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975

- Chiến dịch Tây Nguyên (04/3/1975 - 03/4/1975)

Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên là minh chứng sống động khẳng định cuộc đấu trí chiến dịch, chiến lược giữa ta và địch đã ngã ngũ phần thắng hoàn toàn thuộc về ta. Đây là điểm khởi nguồn, là bước đà vững chắc để ta tiếp tục phát huy, phát triển thế và lực, nhất là tư duy chiến lược trong cuộc đọ trí, đọ sức với quân thù những ngày tiếp sau, nhằm nhanh chóng hoàn thành thắng lợi quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị giải phóng miền Nam trong năm 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Để chuẩn bị cho lực lượng tham gia chiến dịch, Bộ Tổng Tư lệnh điều động lực lượng cho chiến dịch, gồm: Bộ binh có 5 sư đoàn (10, 320, 316, 968, 3) và 4 trung đoàn (25, 95B, 271, 95A); đặc công có Trung đoàn 198 và 2 tiểu đoàn (14, 27); pháo binh có 2 trung đoàn (40, 675); phòng không có 3 trung đoàn (232, 234, 593); Trung đoàn Thiết giáp 273; công binh có 2 trung đoàn (7, 575); toàn bộ LLVT địa phương các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai.

Chiến dịch Tây Nguyên chính thức bắt đầu vào đêm 3 rạng sáng 4/3/1975 khi trung đoàn 95A được lệnh đánh cắt đường số 19, tiêu diệt căn cứ Ayun và một số chốt giao thông, làm chủ hoàn toàn đoạn đường dài 20km từ ngã ba Pleibon đến gần ấp Phú Yên. Cùng thời điểm, Trung đoàn 9, Sư đoàn 320A cắt đường số 14 ở EaH'Leo.

Bàn kế hoạch tác chiến tại Sở chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên, tháng 3/1975. Ảnh tư liệu

Từ ngày 4/3 đến 9/3, quân ta đánh cắt giao thông trên các đường số 19, 21 cô lập Tây Nguyên với vùng duyên hải miền Trung và đánh đường số 14 để chia cắt Bắc Tây Nguyên với Nam Tây Nguyên. Sau khi đánh chiếm quận lỵ Thuần Mẫn (ngày 8/3), Đức Lập (ngày 9/3), quân ta tấn công Buôn Ma Thuột (10-11/3), thắng trận then chốt trong chiến dịch Tây Nguyên. Tiếp đó, quân ta đánh bại cuộc phản kích của Sư đoàn 23 trong trận Nông Trại - Chư Cúc từ ngày 14/3 đến 18/3.

Choáng váng sau khi mất Buôn Ma Thuột, ngày 14/3, địch quyết định bỏ Kon Tum, Pleiku về cố thủ vùng đồng bằng ven biển. Ngày 15/3, lực lượng quân đội VNCH bắt đầu cuộc rút lui hỗn loạn trên đường số 7. Quân ta chớp thời cơ truy kích và đến ngày 25/3 đã cơ bản tiêu diệt, làm tan rã lực lượng địch tháo chạy khỏi Tây Nguyên. Thừa thắng, quân ta phát triển chiến đấu xuống vùng duyên hải Nam Trung Bộ, lần lượt giải phóng các tỉnh Phú Yên (1/4), Khánh Hòa (2/4). Chiến dịch Tây Nguyên chính thức kết thúc vào ngày 3/4/1975.

- Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng (21/3/1975 - 29/3/1975)

Cách đây 50 năm (05/3/1975) Chiến dịch Huế - Đà Nẵng được mở màn. Qua 3 chiến dịch nhỏ là Chiến dịch Trị Thiên - Huế (5/3-26/3), Chiến dịch Nam Ngãi (10/3-26/3) và Chiến dịch Đà Nẵng (26/3-29/3) quân và dân ta đã đập tan âm mưu co cụm chiến lược của địch, làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng về mặt chiến lược, tạo ra sự nhảy vọt về cục diện chiến tranh, mở ra thế và lực mới để quân và dân ta đi đến trận quyết chiến cuối cùng – Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi “tháo chạy khỏi Tây Nguyên”, ngụy quân - ngụy quyền Sài Gòn rơi vào tình trạng hoang mang và rối loạn, đối phó lúng túng, tập trung quân và co cụm, cố thủ ở Huế và Đà Nẵng để chờ đợi viện binh. Ngày 18/3/1975, Bộ chính trị khẳng định: “Thời cơ chiến lược đã đến, hạ quyết tâm chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc tổng tiến công chiến lược, chuyển phương án cơ bản sang phương án thời cơ, hoàn thành kế hoạch trong 02 năm: 1975-1976 ngay trong năm 1975”.

Với hướng tiến công chiến lược chủ yếu là Sài Gòn, nhưng trước mắt ta nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ quân địch trong Vùng chiến thuật 1, từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, giải phóng Huế, Đà Nẵng. Ngày 21/3, từ các hướng Bắc, Tây, Nam, quân ta đồng loạt tiến công, hình thành nhiều mũi bao vây địch, mở màn cuộc tiến công Huế.

 

Ngày 29/3/1975, sau 22 giờ tiến công thần tốc và dũng mãnh, quân ta đã giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ngày 24/3, quân ta giải phóng hoàn toàn thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam). Sáng hôm sau, ngày 25/3/1975, quân ta giải phóng hoàn toàn thành phố Huế. Cùng ngày, Bộ Chí Trị họp Hội nghị, hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam trước mùa mưa (tháng 5/1975) và quyết định tiến công, giải phóng Đà Nẵng trong vòng 03 ngày với phương châm "nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất, nhưng chắc thắng". Đến 15 giờ ngày 29/3, quân ta chiếm lĩnh toàn bộ căn cứ liên hợp Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà; 17 giờ ngày 29/3/1975, giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng.

- Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (26/4/1975 - 30/4/1975)

Trước diễn biến “một ngày bằng hai mươi năm”, ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị quyết định Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Quyết định này một lần nữa thể hiện tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh trong lãnh đạo, chỉ đạo và nghệ thuật điều hành kết thúc cuộc chiến tranh cách mạng.

Ngày 07/4/1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho tất cả các đơn vị: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Mệnh lệnh trên như “lời hịch tướng sĩ”, tiếng gọi của non sông, thúc giục toàn quân tăng tốc hơn nữa cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Xe tăng Quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trong Chiến dịch Hồ Chí Minh,

ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu

Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua lần cuối kế hoạch giải phóng Sài Gòn - Gia Định và quyết định chiến dịch mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Trong khi đó, các đơn vị trên chiến trường với tinh thần “thần tốc” và “táo bạo” liên tục tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Ngày 25/4/1975, cả 5 cánh quân lớn của ta đã tiếp cận và bao vây toàn diện Sài Gòn - Gia Định (gồm 5 quân đoàn với 15 sư đoàn bộ binh (hơn 240.000 quân), cùng với 4 trung/lữ đoàn tăng thiết giáp với 400 xe tăng/thiết giáp; 6 trung đoàn đặc công, 420 khẩu pháo và các đơn vị hỏa lực, kỹ thuật khác…). Ngày 26/4/1975, 5 cánh quân của ta từ 5 hướng đồng loạt tấn công vào Sài Gòn - Gia Định theo phương thức quyết chiến “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” sáng tạo, linh hoạt để giành thắng lợi nhanh nhất, đồng thời bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân một cách tốt nhất.

Ngày 29/4, quân ta tổng tiến công. Các binh đoàn bộ đội hợp thành tiến công trong hành tiến, tiêu diệt các cánh quân địch ngăn chặn và phản kích, nhằm thẳng các mục tiêu đã được phân công. Sáng 30/4, trong thế thua đã rõ ràng, địch xin ngừng bắn, bộ đội ta vẫn kiên quyết tiến công. Các quân đoàn nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu. 11h30 ngày 30/4, sau khi Dinh Độc Lập thất thủ, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

2. Ý nghĩa thời đại của chiến thắng mùa Xuân năm 1975

Chiến thắng mùa Xuân năm 1975 – đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử – đã để lại những ý nghĩa lịch sử và thời đại vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới. Đây không chỉ là chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc ta, mà còn là thắng lợi chung của phong trào đấu tranh vì độc lập, hòa bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Chúng ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc – kỷ nguyên cả nước phát triển trong hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất, một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc; cùng với chiến thắng Bạch Đằng (1288 - chống quân Nguyên - Mông), Chiến thắng Chi Lăng (1427 - chống quân Minh), Chiến thắng Đống Đa (1789 - chống quân Thanh), Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - chống quân Pháp) đã trở thành những dấu son vàng chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam.

Chiến thắng mùa Xuân năm 1975 là thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng soi đường của Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với những chân lý bất hủ: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” và “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đó cũng là thắng lợi tất yếu của sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng ta với đường lối, phương pháp cách mạng khoa học, sáng tạo “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”; tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng (xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tạo ra hậu phương vững chắc cho miền Nam đánh Mỹ; đồng thời tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ - Ngụy để hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân ở miền Nam) nhằm mục tiêu chung là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và đưa cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chiến thắng mùa Xuân năm 1975 là thắng lợi của ý chí tự lập, tự cường dân tộc; thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam với những nguyên lý bất hủ: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “lấy ít đánh nhiều, lấy yếu thắng mạnh”, “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”… Đó còn là thắng lợi của lòng yêu nước quả cảm, đức tính cần cù, sức chịu đựng gian khổ, trí tuệ thông minh và tư duy sáng tạo của con người Việt Nam, tạo nên bản lĩnh văn hóa Việt Nam. Chiến thắng mùa Xuân năm 1975 không chỉ khẳng định sức mạnh, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn là minh chứng sinh động đầy sức thuyết phục cho giá trị của hòa bình, công lý, chính nghĩa, tiến bộ xã hội và lương tri của thời đại do Việt Nam đại diện trước cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa do đế quốc Mỹ thực hiện ở Việt Nam.

Ngày nay, ta luôn nhắn nhủ và tự hào rằng: Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó không chỉ là chiến thắng vĩ đại của tinh thần yêu nước, của ý chí quật cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, mà còn là thắng lợi của bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy chiến lược sắc bén và sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm mươi năm đã trôi qua, tinh thần chiến thắng 30/4/1975 vẫn tiếp tục soi sáng con đường đi tới tương lai của dân tộc Việt Nam. Trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, bài học về ý chí tự lực, tự cường, về sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc càng trở nên cấp thiết, là nguồn động lực to lớn để chúng ta vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.

Chiến thắng mùa Xuân 1975 sẽ mãi là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam! Tinh thần 30/4 bất diệt sẽ mãi trường tồn cùng dân tộc!

Tác giả bài viết: Th.s Nguyễn Kim Dự

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay2,604
  • Tháng hiện tại261,599
  • Tổng lượt truy cập10,062,509
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây