Hình thành kỹ năng nhận diện thông tin xấu, độc trên mạng xã hội giúp đoàn viên thanh niên đấu tranh, phản bác lại các quan điếm sai trái, thù địch

Thứ bảy - 12/11/2022 22:01 734 0
Thanh niên là cách tay phải của Đảng, là “đội dự bị tin cậy của Ðảng, thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Ðảng, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh”, việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là nội dung cơ bản, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc tự giác, thường xuyên của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Đồng chí: Trần Hoàng Trực - Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước phát biểu tại buổi tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ ở cơ sở năm 2022
Đồng chí: Trần Hoàng Trực - Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước phát biểu tại buổi tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ ở cơ sở năm 2022

Theo thống kê, hiện nay thanh niên là một lực lượng đông đảo, chiếm khoảng 23.8% dân số[1]. Đây là lực lượng dân cư có nhiều tiềm năng về sức khỏe, trí tuệ và khả năng thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường trong nước và quốc tế. Thanh niên Việt Nam nhìn chung đều có tinh thần nhiệt tình cách mạng, hăng hái, tiên phong, ham học hỏi, có tinh thần đổi mới, sáng tạo. Khi được dìu dắt, tập hợp, thanh niên dễ liên kết thành một khối thống nhất, đoàn kết. Tuy nhiên, do có những hạn chế nhất định về trình độ, kinh nghiệm sống nên thanh niên Việt Nam cũng dễ bị lôi kéo, kích động, thường dễ có tâm lý chán nản, bi quan trước những thất bại, vấp ngã đầu đời… Đây là những đặc điểm dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng.
Sở dĩ các thế lực thù địch hướng đến thanh niên không chỉ là vì đặc điểm tâm lý, lứa tuổi của thanh niên, mà còn do thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước, luôn nhận được sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và cả xã hội. Thời gian qua, các thế lực thù địch đã luôn coi thanh niên là đối tượng chủ yếu để tuyên truyền, lôi kéo, kích động. Nếu như tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, các thế lực thù địch lợi dụng các cách thức truyền thống, như dồn dập tung thông tin xuyên tạc với mục đích “mưa dầm thấm lâu” bằng tờ rơi, báo chí, phát thanh…, thì ngày nay, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông xã hội để tấn công vào thanh niên. Nhận thấy thanh niên là lực lượng chủ yếu sử dụng internet và các phương tiện truyền thông xã hội, các thế lực thù địch đã ra sức phát tán các bài viết, blog, hình ảnh, video clip bịa đặt, xuyên tạc, vu khống trên các kênh Youtube, Facebook…
 Các thế lực thù địch sử dụng không gian mạng như là một phương thức chủ yếu để lan truyền các thông tin xấu độc mà thanh niên chiếm tỷ lệ lớn trong những người thường xuyên sử dụng các nền tảng trên không gian mạng để tiếp nhận, chia sẻ thông tin. Hiện nay, có thể thấy mạng Internet đã và đang chi phối hầu hết mọi lĩnh vực trong đời sống, tác động đến nhiều tầng lớp trong xã hội, trong đó tầng lớp chịu tác động ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là sinh viên, trí thức trẻ, thanh niên.
Việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với những luận điệu sai trái theo tinh thần Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” trên tinh thần quán triệt quan điểm kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. Đó là nhiệm vụ cấp bách, vừa thường xuyên, vừa lâu dài; không chỉ là công việc của các cơ quan Đảng, Nhà nước mà là của cả hệ thống chính trị; đồng thời cũng là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân và  đặc biệt đối với đoàn viên thanh niên còn là công việc thường xuyên, liên tục, là nhiệm vụ quan trọng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, là trách nhiệm to lớn của đoàn viên thanh niên.
Đại hội XIII của Đảng đã đề cập trực tiếp và nhấn mạnh việc quản lý và phát triển thông tin trên không gian mạng, trong đó có việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Trong thời gian tới, các thế lực thù địch tiếp tục chĩa mũi nhọn tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng sử dụng không gian mạng là một mặt trận chính để chống phá ta, do vậy, công tác đầu tranh phản bác, ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch trên không gian mạng có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần bảo vệ, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng. Giữ vững trận địa tư tưởng, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng là nhiệm vụ quan trọng và hết sức cấp thiết.
Trước vô vàn thông tin xấu độc, bịa đặt lan truyền trên internet, mạng xã hội làm cho cán bộ, đảng viên, người dân, đặc biệt là lực thanh niên dần dần hoài nghi vào những thông tin thật, chính thống được hệ thống chính trị, cơ quan báo chí truyền thông đưa ra. Suy giảm niềm tin của Nhân dân vào chế độ, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước các cấp. Do vậy, cần có kỹ năng nhận diện và đấu tranh vô hiệu hóa, vạch trần những phương thức thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu lợi dụng không gian mạng đưa thông tin xấu độc, giả mạo.
Trước những âm mưu, thủ đoạn vô cùng nguy hiểm của các thế lực thù địch, trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, đoàn viên thanh niên cần trang bị những kỹ năng cơ bản sau đây:
 Thứ nhất, cần xem xét kỹ các tiêu đề: Những thông tin xấu độc thường có tiêu đề hấp dẫn, đặc biệt là những thông tin trong tiêu đề giật title, gây sốc.
Thứ hai, chú ý tới các đường dẫn liên kết: Đây là dấu hiệu cảnh báo về tin giả khi chúng ta phát hiện đường dẫn tới trang web giả mạo hoặc trông gần giống với đia chỉ/đường dẫn của một trang web chính thống. Đầu tiên, hãy kiểm tra lại địa chỉ web. Đây là phương pháp nhanh chóng nhất trong các cách nhận biết trang web lừa đảo. Cảnh giác trước các đường dẫn có dấu hiệu như: Lỗi chính tả, sai khác (lấy đường dẫn khác, nhưng tên website giống hệt), thiếu hoặc thừa một vài ký tự, hoặc thay thế một vài ký tự với ký tự khác gần giống (như “l” thay bằng “1”).
Thứ ba, kiểm chứng cơ sở nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào, nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác, có thể xem mục giới thiệu để kiểm tra. Đồng thời kiểm tra tên miền của trang mạng đăng tải thông tin, thường nguồn phát của thông tin xấu độc là những trang mạng có tên miền nước ngoài (.com, .org), không có đuôi tên miền Việt Nam “.vn”. Sử dụng các công cụ tìm kiếm để tìm các bài viết trên các trang mạng chính thống (Thông tin chính phủ, Báo Nhân dân...) có nội dung tương tự để đối chiếu hoặc xin tham vấn của các chuyên gia trên từng lĩnh vực.
Thứ tư, xác định đối tượng tán phát: Các thông tin bắt nguồn từ các đối tượng phản động chống đối, cá nhân thiếu hiểu biết.
Thứ năm, đánh giá về hình thức, nội dung: Tin tức xấu, độc hay bị lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn, các hình ảnh, video trong tin xấu, độc thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung, ngày tháng của sự kiện thường bị thay đổi. Nội dung chứa lỗi chính tả. Nguyên nhân là do các trang web giả mạo thường không kiểm duyệt kỹ nội dung. Hoặc, các trang này được tạo bởi kẻ xấu ở nước ngoài mà họ không thành thạo ngôn ngữ được sử dụng để lừa đảo.
Thứ sáu, kiểm tra hình ảnh: Những thông tin xấu độc thường chứa hình ảnh hoặc video bị chỉnh sửa. Đôi khi bức ảnh được các đối tượng cố tình đưa ra khỏi bối cảnh gốc gây nhầm lẫn, lầm tưởng cho người xem. Do vậy, chúng ta cần sử dụng tính năng tìm kiếm ảnh, đối chiếu với nguồn ảnh gốc (nếu có), xác định thời gian khởi tạo, dung lượng, kích thước... để đối chiếu với các thông tin đối tượng đưa ra.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là nhiệm vụ quan trọng, nhưng cũng mang nhiều khó khăn và thách thức. Vì vậy, thanh niên với vai trò là những người trẻ, là lực lượng nhiều tiềm năng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, cần có những hành động cụ thể, kịp thời, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch... hướng tới xây dựng đất nước đoàn kết, văn minh, giàu đẹp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. PGS, TS Lương Khắc Hiếu (2021), Xác định các giải pháp trọng tâm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ mới.
 2. Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 35-NQ/TW về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới".
3. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước (2022), Chỉ thị số 17 của về việc định hướng tiếp cận, xử lý và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022 - 2025.
4. Tổng cục Thống kê, (2021), Niên giám thống kê.
 
[1] Tổng cục Thống kê, (2021), Niên giám thống kê. 

Tác giả bài viết: ThS.Phạm Xuân Quyền

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

thuocladientu
 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay10,028
  • Tháng hiện tại215,649
  • Tổng lượt truy cập7,593,398
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây