Tìm hiểu một số quy định mới của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018

Thứ ba - 18/06/2019 04:01 1.535 0
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 gồm 10 chương với 96 điều, đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 01-07-2019 khắc phục những nội dung còn thiếu, vấn đề phát sinh từ thực tiễn và tạo cơ sở cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay. Bài viết xin nêu một số điểm mới của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Thứ nhất, về phạm vi diễn ra các hành vi tham nhũng
Tại Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đưa ra các hành vi tham nhũng không chỉ diễn ra trong khu vực nhà nước mà còn trong khu vực ngoài nhà nước (nội dung này trước đây chỉ nêu chung là: Các hành vi tham nhũng, không nêu riêng khu vực ngoài nhà nước). Đồng thời, Luật mới quy định một chương riêng về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Nội dung này được quy định cụ thể tại Chương VI gồm các điều từ Điều 78 đến Điều 82, bao gồm các quy định về quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh; xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng; áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; phát hiện tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Thứ hai, mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập
Những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập không còn được gói gọn ở “một số cán bộ, công chức” như quy định tại Luật cũ, mà được mở rộng theo quy định tại Điều 34 gồm: Cán bộ, công chức; sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Thứ ba, quy định thêm một số loại tài sản, thu nhập phải kê khai và thời điểm, phương thức kê khai

Ngoài phải kê khai các loại tài sản, thu nhập như quy định trước đây như: Nhà, đất; Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; Tài sản, tài khoản ở nước ngoài. Luật mới yêu cầu các đối tượng nêu trên còn phải kê khai thêm công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng.
Ngoài ra, các đối tượng còn phải kê khai cả tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai. (Điều 36 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018). Cụ thể như sau:
– Kê khai lần đầu áp dụng đối với cán bộ, công chức; Sĩ quan; Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước 31/12/2019…
– Kê khai bổ sung áp dụng với người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Việc kê khai hoàn thành trước ngày 31/12 năm có biến động tài sản.
Kê khai hàng năm áp dụng với người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên; Người làm công tác cán bộ, quản lý tài sản công… Việc kê khai hoàn thành trước ngày 31/12…
Hơn nữa, trong đó đáng chú ý là sẽ tiến hành xác minh ngẫu nhiên. Như vậy, cán bộ, công chức nào cũng có thể được yêu cầu giải trình hoặc buộc phải trải qua xác minh tính trung thực trong việc kê khai, bao gồm cả nguồn gốc tài sản, thu nhập.
Thứ tư, quy định cụ thể việc công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập
Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 39 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Theo đó, Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Luật cũng quy định cụ thể việc công khai đối với Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Bản kê khai của người dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân; Bản kê khai của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước.
Thứ năm, quy định cụ thể hơn về việc xử lý đối với trường hợp kê khai không trung thực
Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 51 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Luật mới quy định người có nghĩa vụ kê khai không thuộc trường hợp nêu trên mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn hoặc cử vào chức vụ dự kiến; trường hợp người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.
Thứ sáu, quy định cụ thể hoá và đề cao vai trò người đứng đầu
Nội dung này được quy định cụ thể tại Chương IV gồm các điều từ Điều 70 đến Điều 73, quy định về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng. Bao gồm: trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng; trong việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác; trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Cuối cùng, xây dựng cơ chế kiểm soát tham nhũng
Lần đầu tiên, chúng ta đã quy định về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập độc lập. Cơ chế này rất quan trọng bởi vì trước đây bản kê khai tài sản được giao cho bộ phận tổ chức, cán bộ quản lý. Trong quy định của Luật này Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ từ giám đốc sở và tương đương ở địa phương cũng như ở các bộ trong Chính phủ. Cấp thấp hơn thì thanh tra địa phương, thanh tra bộ… chịu trách nhiệm. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập được bổ sung nhiều thẩm quyền hơn, trong đó có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm, như: Các ngân hàng, tổ chức tín dụng, cơ quan thuế, công an, hải quan, những cơ quan tổ chức khác phải cung cấp thông tin có liên quan để phục vụ cho việc xác minh tài sản, thu nhập.
Cùng với đó, công nghệ thông tin sẽ được phát huy tác dụng trong kiểm soát tài sản, thu nhập. Luật cũng đã có quy định về việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng chặt chẽ, cụ thể hơn.
Tóm lại, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 ra đời khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, giải quyết vấn đề có tính thực tiễn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nhà nước trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa.
 

Tác giả bài viết: Hạnh Dung

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập46
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm43
  • Hôm nay7,316
  • Tháng hiện tại145,140
  • Tổng lượt truy cập8,917,187
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây