Sau 6 tháng triển khai hội thảo, đến nay ban tổ chức nhận được 23 bài tham luận đáp ứng yêu cầu và mục đích kế hoạch đề ra. Các bài viết tham gia hội thảo tập trung 4 nhóm vấn đề trọng tâm: Thứ nhất, đánh giá thực trạng, đề xuất các nhóm giải pháp và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các tác giả đã phân tích và đề xuất các nhóm giải pháp nhằm phát huy những lợi thế so sánh của tỉnh trong phát triển kinh tế như nông - lâm nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn với phát triển du lịch địa phương. Thứ hai, tập trung phân tích, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh hiện nay và đề xuất các nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thứ ba, phân tích, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh và lợi thế so sánh của tỉnh trong tình hình mới. Thứ tư, tập trung vào tiêu điểm về liên kết vùng, mối quan hệ phát triển giữa tỉnh Bình Phước với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nhiều tham luận các tác giả trong và ngoài tỉnh gợi mở các nội dung rất quan trọng như: “Liên kết ngành kinh tế giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - thực trạng và giải pháp” (thạc sĩ Cao Minh Nghĩa, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh); “Những ẩn số của bài toán phát triển du lịch tỉnh Bình Phước” (thạc sĩ Lương Hồng Vân, Trường Chính trị tỉnh); “Định vị Bình Phước trên bản đồ phát triển của cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” (thạc sĩ Trần Tuyết Minh, Trường Chính trị tỉnh); “Tái lập cầu Mã Đà, kết nối giao thông vùng - một chìa khóa quan trọng mở điểm nghẽn cho sự phát triển của Bình Phước” (thạc sĩ Nguyễn Thanh Thuyên, Trường Chính trị tỉnh); “Một số vấn đề về xây dựng giai cấp công nhân cao su Bình Phước trong điều kiện mới của đất nước” (tiến sĩ Nguyễn Thị Mộng Tuyền, Trường đại học mở TP. Hồ Chí Minh).
Tác giả bài viết: T.Tuấn
Nguồn tin: Trường Chính trị
Ý kiến bạn đọc