30-8-1917: Đêm 30-8 rạng ngày 31-8-1917, 300 binh sĩ do Đội Cấn chỉ huy đã phát động khởi nghĩa tại Thái Nguyên. Lương Ngọc Quyến được cử làm cố vấn kiêm Phó tư lệnh.
Nghĩa quân giết chết tên chúa ngục Thái Nguyên, giải phóng toàn bộ tù nhân, trong số đó phần lớn là tù chính trị trong các vụ đề Thám, Duy Tân, Đông Du. Nghĩa quân làm chủ Thái Nguyên suốt bảy ngày. Giặc Pháp đưa viện binh từ Hà Nội lên phản công dữ dội. Đội Cấn nêu cao tinh thần thà chết không hàng giặc, đã tự sát tại khu cǎn cứ Núi Pháo. Vì tàn phế, không đi được, Lương Ngọc Quyến cũng tự sát để nghĩa quân dễ dàng rút lui nhằm bảo tồn lực lượng.
31-8-1991: Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định "Tổ chức và sắp xếp mạng lưới các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân".
Mục tiêu nguyên tắc của việc sắp xếp lại mạng lưới là:
1- Việc sắp xếp mạng lưới trường học không nhằm thu hẹp sự phát triển, mà phải tạo điều kiện để tiếp tục mở rộng qui mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục quốc dân.
2- Xoá bỏ những bất hợp lý đang tồn tại trong mạng lưới trường học.
3- Thực hiện đa dạng hoá các hình thức đào tạo chính quy và không chính quy.
4- Gắn chặt quá trình đào tạo với quá trình sử dụng lực lượng lao động.
5- Cải tiến mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục đào tạo từ cơ sở trong trường học đến toàn ngành, theo hướng đảm bảo tính thống nhất.
01-9-1958: Hạm thuyền Pháp và Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng.
Trong cuộc tấn công này, quan quân nhà Nguyễn nhu nhược để thành Đà Nẵng thất thủ. Ngày này được coi là sự kiện mở đầu cho cuộc xâm lược nước ta của thực dân Pháp. Từ đó thực dân Pháp đã đặt ách đô hộ thuộc địa lên đất nước ta gần 100 năm.
02-9-1945: Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt quốc dân tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Hai giờ chiều, mít tinh bắt đầu khai mạc. Hồ Chủ tịch đọc lời Tuyên ngôn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Trong bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trước thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thực đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam kiên quyết đem tất cả tinh thần, lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy!".
Ngày 2-9-1945 mãi mãi đi vào lịch sử như ngày độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam sau ngót một thế kỷ đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp, ghi nhận chiến công của dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc tiên phong trong sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa trên thế giới. Cũng từ đó, ngày 2-9 trở thành ngày quốc khánh của nhân dân Việt Nam và đó cũng là cái mốc chấm dứt lịch sử cận đại Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc ta.
02-9-2021: Kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2021).
03-9-1945: Hồ Chủ tịch đã chủ toạ phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Người đề ra những nhiệm vụ cấp bách để ổn định tình hình trong nước, giữ vững và củng cố chính quyền dân chủ nhân dân. Nội dung cụ thể là:
1. Phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, mở ngay cuộc lạc quyên gạo để giúp đỡ người nghèo.
2. Mở chiến dịch chống nạn mù chữ.
3. Tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, soạn thảo Hiến pháp dân chủ.
4. Mở chiến dịch giáo dục cần, kiệm, liêm, chính để bài trừ những thói hư tật xấu của chế độ thực dân để lại.
5. Bỏ ngay thuế thân, thuế chợ, thuế đò, tuyệt đối cấm hút thuốc phiện.
6. Ra tuyên bố tự do tín ngưỡng và đoàn kết lương giáo.
4-9-1945: Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh "Tổ chức quỹ Độc lập". Quyết định này xuất phát từ chính quyền cách mạng đang gặp muôn vàn khó khăn, nhất là về tài chính. Ta tiếp quản Ngân khố Trung ương chỉ có hơn 1 triệu đồng mà một nửa là hào rách, sắp huỷ. Mọi chi tiêu đều dựa vào dân.
Nhân dịp chính phủ phát động "Tuần lễ vàng" từ ngày 17 đến 24-9-1945, Hồ Chủ tịch cũng gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước. Chỉ trong thời gian ngắn đã quyên góp được 370 kg vàng và 40 triệu đồng cho quỹ Quốc phòng và 20 triệu đồng cho quỹ Độc lập, góp phần giải quyết khó khăn về tài chính lúc bấy giờ.