Hội nghị triển khai Quy định 09-QĐi/TW của Ban Bí thư và một số vấn đề về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý

Thứ sáu - 14/12/2018 03:00 1.148 0
Ngày 12/12, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị triển khai Quy định số 09-QĐi/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số vấn đề liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự, chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các tỉnh, lãnh đạo các trường chính trị, trường bộ ngành trên toàn quốc.

        Tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một khâu quan trọng trong 4 khâu của công tác cán bộ, trong đó, đánh giá cán bộ là tiền đề, quy hoạch cán bộ là nền tảng, luân chuyển cán bộ là khâu đột phá; đào tạo bồi dưỡng cán bộ vừa là yêu cầu trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài nên phải thực hiện thường xuyên. Vì vậy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn quan tâm sâu sát, chỉ đạo trực tiếp công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và những vấn đề lý luận có liên quan.

        Cùng với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và những yêu cầu mới của công tác cán bộ và công tác lý luận, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã ban hành nhiều Nghị quyết, kết luận liên quan trực tiếp đến những vấn đề quan trọng này trong đó có Quyết định số 145-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Quy định 09-QĐi/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với nhiều nội dung đổi mới. Điển hình như việc quy định: “Trường chính trị cấp tỉnh có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương”.
        Quy định 09-Qđi/TW lần đầu tiên xác định trường chính trị còn có chức năng mới là “tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương”. Theo GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, điều này là rất quan trọng vì việc Ban Bí thư chính thức quy định chức năng này cho các trường chính trị, một mặt để gắn công tác giảng dạy với nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; mặt khác, để các trường nghiên cứu, tổng kết thực tiễn nhằm làm rõ thêm nội dung cũng như đánh giá việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở cũng như phát triển lý luận. Từ đó, các trường tham gia ý kiến vào việc xây dựng các chủ trương, chính sách, cơ chế của địa phương. Thông qua các hoạt động khoa học khác, các trường trực tiếp tham gia công tác tuyên truyền, cổ động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân địa phương tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
        Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng cũng cho biết, cùng với việc được giao chủ trì những nội dung trên, trong Quyết định số 145-QĐ/TW, Bộ Chính trị cũng giao cho Học viện những nhiệm vụ rất mới. Một là, “Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”; hai là, “Tham gia ý kiến về việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo chủ chốt của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Những nhiệm vụ này một mặt, khẳng định vai trò, thẩm quyền quản lý về chuyên môn của Học viện đối với hệ thống trường chính trị cấp tỉnh; mặt khác, khẳng định vai trò của Học viện, mối quan hệ của Học viện với các tỉnh ủy, thành ủy trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của các trường, khắc phục những bất cập hiện nay trong đề bạt, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của hệ thống trường chính trị trong cả nước.

.

                                                                      Toàn cảnh Hội nghị

        Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng cũng nêu một số vấn đề đặt ra trong triển khai thực hiện Quy định 09-QĐi/TW. Theo đó, thời gian tới, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ tăng cường làm việc với các tỉnh ủy, thành ủy về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công tác trường chính trị để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; ban hành chương trình, biên soạn mới giáo trình Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính và một số chương trình bồi dưỡng chức danh; ban hành mới quy chế quản lý đào tạo của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; phối hợp với các cơ quan Trung ương tham mưu để Ban Bí thư sớm ban hành bộ tiêu chí trường chính trị chuẩn.
        Đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các tỉnh ủy, thành ủy, Bí thư Trung ương Đảng đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy quan tâm sớm chỉ đạo triển khai Quy định 09-QĐi/TW. Nếu có khó khăn, vướng mắc, cần kịp thời đề nghị Ban tổ chức Trung ương phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hướng dẫn; các tỉnh ủy, thành ủy cần sớm xây dựng đề án tổng thể phát triển trường chính trị cấp tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035; đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, toàn diện để trường chính trị cấp tỉnh thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng đã được Ban Bí thư xác định.
        Liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và định hướng thời gian tới, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới, để thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng trường chính trị trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh, thành phố, trong thời gian tới, các tỉnh ủy, thành ủy cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức lãnh đạo, chỉ đạo sao cho hiệu quả đối với các mặt hoạt động của trường chính trị, nhất là việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trường, cấp khoa, phòng của nhà trường. Đặc biệt để khẳng định vị trí, vai trò của trường chính trị cấp tỉnh, cơ cấu cứng đồng chí hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng đủ điều kiện tham gia cấp ủy cấp tỉnh để trực tiếp lãnh đạo nhà trường thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
        Cùng với đó, tiếp tục đổi mới toàn diện công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; trong đó chú trọng các chương trình Trung cấp lý luận chính trị-hành chính, liên kết mở các lớp cao cấp lý luận chính trị và sau đại học để tạo bước đột phá mới về chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh. Đặc biệt, trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, cần thực hiện đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nội dung, phương thức, phong cách lãnh đạo và công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Đồng thời, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu; xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng.
        Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã thảo luận nhiều nội dung liên quan đến việc triển khai Quy định 09-Qđi/TW, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện Chính trị quốc gia và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
        Quy định số 09-QĐi/TW của Ban Bí thư Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ký ban hành ngày 13/11/2018. Theo đó, trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là trường chính trị cấp tỉnh) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy.
        Trường chính trị cấp tỉnh có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương./.

Tác giả bài viết: Tin: BT; ảnh: Mạnh Thắng

Nguồn tin: hcma.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập38
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm35
  • Hôm nay10,244
  • Tháng hiện tại81,096
  • Tổng lượt truy cập9,043,458
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây