Tổng tuyển cử và bài học lịch sử về quyền dân chủ

Thứ sáu - 09/04/2021 05:44 1.190 0
75 năm trước, ngày 6/1/1946 đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu mốc quan trọng. Đây là ngày lần đầu tiên người dân Việt Nam được đi bầu cử, được thụ hưởng quyền dân chủ đầu tiên với tư cách công dân một nước độc lập.
          Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với những khó khăn, thử thách rất nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải tập hợp được sức mạnh đại đoàn kết, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân khi mà nước nhà đã giành được độc lập để tiến hành được Tổng tuyển cử trong cả nước để thông qua Hiến pháp, thành lập Chính phủ và chính quyền các cấp của một nước Việt Nam độc lập và tự do.
Với tầm nhìn chiến lược, Hồ Chí Minh sau khi đọc bản tuyên ngôn độc lập ngày 3/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời đã đề nghị 6 nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay, trong đó có nhiệm vụ phải tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu để bầu ra Quốc hội. Người chỉ rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giầu, nghèo, tôn giáo, dòng giống...”[1].
          Để chuẩn bị cho Tổng tuyển cử, Bác đã thay mặt Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 14/SL về việc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội vào ngày 8/9/1945 và ký Sắc lệnh số 51/SL quy định thể lệ Tổng tuyển cử vào ngày 17/10/1945. Các Sắc lệnh này đã khẳng định yêu cầu bức thiết của Tổng tuyển cử là để “dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một là phiếu cũng có sức lực như một viên đạn[2].
          Chính phủ lâm thời cũng đã mời những người ngoài mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử. Động thái này cho thấy, Việt Minh luôn tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, quy tụ người có tài, có đức gánh vác công việc nước nhà.
          Ở nhiều nơi, cuộc bầu cử đã diễn ra hết sức khó khăn trước sự phá hoại điên cuồng, thậm chí bằng cả bom đạn của các phần tử cơ hội và lực lượng thù địch. Nhưng không một ý đồ nào có thể khuất phục được ý thức làm chủ của người dân.
          Để cuộc bầu cử diễn ra thành công, có nơi lá phiếu bầu đã thấm máu cử tri, có hòm phiếu đã thẫm máu của các cán bộ, chiến sỹ bảo vệ Tổng tuyển cử. Cuộc Tổng tuyển cử này đã bầu ra 333 đại biểu Quốc hội nhưng đã có tới hàng nghìn người ra ứng cử thuộc các thành phần, đảng phái. Nhưng bằng ý thức làm chủ, người dân đã sáng suốt lựa chọn ra được những đại biểu xứng đáng nhất đại diện cho mình tham gia vào Quốc hội - Cơ quan lãnh đạo cao nhất của một nhà nước dân chủ.
          Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã chính thức ra đời từ sự lựa chọn dân chủ, bình đẳng, tự do của tất cả công dân Việt Nam.
          75 năm trôi qua nhưng những ý nghĩa về thắng lợi của ngày tổng tuyển cử đầu tiên đến nay vẫn còn nguyên giá trị đến tận bây giờ. Cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất. Đó là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín để bầu ra Quốc hội để chính thức hóa về mặt pháp lý Nhà nước và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây không chỉ là cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của dân tộc mà còn là lần đầu tiên khẳng định quyền làm chủ cũng như xác lập trách nhiệm và danh dự của người dân một nước độc lập, tự do. Nhân dân Việt Nam bằng lá phiếu đã tự mình quyết định vận mệnh lịch sử của dân tộc.
          Cuộc Tổng tuyển cử cũng để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu. Trong đó, có bài học phải đặt trọn niềm tin vào nhân dân, biết phát huy sức mạnh, vai trò làm chủ của nhân dân. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt niềm tin tuyệt đối vào nhân dân, vì Người tin rằng, nhân dân Việt Nam có niềm tin mãnh liệt vào Đảng, chính quyền cách mạng và giao trọn niềm tin cho Đảng, cũng như chính quyền cách mạng. Kết quả bầu cử đã chứng minh việc đặt niềm tin đó là hoàn toàn sáng suốt và đúng đắn. Đó mới thực sự là tư tưởng trọng dân, tin dân. Bài học này đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị.
          Ngày nay, mỗi lá phiếu của mỗi cử tri đều mang sứ mệnh cao cả là một viên gạch hồng để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, mỗi một người dân cần phải nhận thức, sử dụng đầy đủ và đúng trách nhiệm với quyền công dân của mình.
 
 

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 4, Nxb. CTQG, H. 2010, tr. 8
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 4, Nxb. CTQG, H. 2010, tr. 145

Tác giả bài viết: Vũ Minh Thanh

Nguồn tin: Trường Chính trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập32
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay11,844
  • Tháng hiện tại158,755
  • Tổng lượt truy cập9,121,117
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây