44 năm ngày Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc (20/9/1977 - 20/9/2021): Những đóng góp tích cực của Việt Nam vì mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh quốc tế

Chủ nhật - 26/09/2021 22:05 1.542 0
Ngày 20/9/1977 – Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc, đây là một mốc son lịch sử đánh dấu sự ghi nhận của tổ chức toàn cầu lớn nhất hành tinh và cộng đồng quốc tế đối với một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và dân chủ. Trong suốt chặng đường 44 năm là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam từ một nước nhỏ vừa thoát khỏi chiến tranh, đói nghèo, lạc hậu đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ mà Liên hợp quốc đề ra; mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên hợp quốc không ngừng được củng cố, phát triển và Việt Nam luôn nỗ lực là một thành viên tin cậy, chủ động, có trách nhiệm của Liên hợp quốc, nổi bật là những đóng góp to lớn vì mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
         Được thành lập vào ngày 24/10/1945 tại California, Hoa Kỳ, trải qua 76 năm phát triển, Liên hợp quốc trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự tham gia hầu như toàn bộ các quốc gia độc lập của hành tinh với 193 quốc gia thành viên. Với mục đích duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền giữa các dân tộc và nguyên tắc dân tộc tự quyết; thực hiện hợp tác quốc tế thông qua giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, tôn giáo,…
         Ngay sau khi gia nhập Liên hợp quốc, Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các nước thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và Việt Nam đã sớm trở thành một trong những quốc gia hoàn thành các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia một cách có trách nhiệm nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Liên hợp quốc, trong đó nổi bật là việc đóng góp, xây dựng mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh quốc tế của Liên hợp quốc: Việt Nam tích cực tham gia đàm phán và là một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), tham gia và trở thành thành viên của Hội nghị Giải trừ quân bị (CD) năm 1996, Việt Nam tích cực thương lượng và trở thành thành viên chính thức của Công ước cấm vũ khí hóa học (CWC) năm 1998. Việt Nam cũng là thành viên sớm tham gia vào quá trình chuẩn bị cho các Hội nghị lớn như Hội nghị kiểm điểm NPT 2000, 2005 và 2010; Hội nghị về chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí nhỏ năm 2001, 2003,... Việt Nam là một trong 52 nước đầu tiên ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân và là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước này. Việt Nam luôn tích cực tham gia xây dựng và thực thi các điều ước quốc tế của Liên hợp quốc cũng như tham gia vào các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy Liên hợp quốc phát huy vai trò là một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chung của nhân loại. Không chỉ là thành viên tích cực trong nỗ lực chung tay xây dựng hòa bình, Việt Nam luôn đề cao sự cần thiết tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực,…
         
Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là điểm sáng thể hiện tinh thần đối tác có trách nhiệm của Việt Nam. Tháng 6/2014, Việt Nam lần đầu tiên cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Sau 6 năm Việt Nam đã triển khai hàng trăm quân nhân tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, riêng tại hai phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, Việt Nam đã cử 73 quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình. Liên hợp quốc đã công nhận Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam là một trong bốn Trung tâm huấn luyện quốc tế ở khu vực và sẽ triển khai huấn luyện theo chương trình Đối tác 3 bên trong thời gian tới (Việt Nam, Liên hợp quốc và một nước đối tác).
         Đặc biệt, khi lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 – 2009, cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc về hoà bình, an ninh quốc tế trong bối cảnh Hội đồng Bảo an phải xử lý khối lượng công việc đồ sộ do xuất hiện nhiều vấn đề an ninh phức tạp, thêm vào đó là những thách thức an ninh toàn cầu mới và tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu trầm trọng nhất lịch sử thế giới hiện đại,… Việt Nam cùng các thành viên Hội đồng Bảo an đã xử lý một khối lượng công việc lớn với 1.500 cuộc họp, thông qua 113 Nghị quyết, 165 Tuyên bố Chủ tịch và Tuyên bố báo chí thuộc trên 50 đề mục của chương trình nghị sự; xử lý nhiều vấn đề phức tạp về chiến sự ở Kosovo, vấn đề hạt nhân ở Iran, vấn đề hòa bình ở Trung đông, vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên, Myanma,… trong bối cảnh đó, Việt Nam hoàn thành tốt trọng trách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, tham gia chủ động, tích cực, thể hiện lập trường tự chủ, đóng góp, xây dựng, hợp tác và có trách nhiệm, khéo léo xử lý khi có vấn đề khác biệt giữa các thành viên, đồng thời có nhiều sáng kiến và đóng góp vào hoạt động của Hội đồng Bảo an được các nước đánh giá cao.
         Ngày 7/6/2019, Việt Nam lần thứ hai trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193 quốc gia). Điều đó cho thấy những đóng góp tích cực, thực chất, có trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng Bảo an nói riêng trong nhiều năm qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Để đáp lại sự tin tưởng đó, trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (2020-2021), Việt Nam công bố 7 ưu tiên chính bao gồm: ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo Điều 6 Hiến chương Liên hợp quốc; cải tiến cách thức làm việc của Hội đồng Bảo an, tăng cường hợp tác giữa Hội đồng Bảo an và các tổ chức khu vực theo Điều 8 Hiến chương Liên hợp quốc; vấn đề nhân đạo, bảo vệ thường dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống người dân tại các nơi xung đột; phụ nữ, hòa bình, an ninh và trẻ em trong xung đột vũ trang; khắc phục hậu quả xung đột (gồm hiểm họa bom mìn còn sót lại sau xung đột); hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; tác động của biến đổi khí hậu tới hòa bình và an ninh.
         Trong thời gian qua của nhiệm kỳ, Việt Nam đã chủ động tham gia sâu, nắm bắt các cơ hội để thúc đẩy quan tâm lợi ích và ưu tiên của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an một cách hiệu quả hơn. Việt Nam cùng 8 nước thành viên không thường trực khác đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp trực tuyến thảo luận về đại dịch COVID-19 vào đầu tháng 4/2020 và đây là cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Bảo an về vấn đề này. Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia và có nhiều đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng các văn kiện của Hội đồng Bảo an, đáp ứng sự quan tâm chung và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 1/2020, Việt Nam đã hoàn thành tốt các công việc điều hành, chủ trì hoạt động, đại diện cho Hội đồng Bảo an trong quan hệ với các nước, các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực, quốc tế và báo giới. Việt Nam cũng đã để lại dấu ấn quan trọng với việc tổ chức hai sự kiện là: Thảo luận mở của Hội đồng Bảo an với chủ đề “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì, thông qua Tuyên bố Chủ tịch riêng đầu tiên của Hội đồng Bảo an về tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và Phiên họp về hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN lần đầu tiên tại Hội đồng Bảo an. Cả hai sáng kiến trên được dư luận đánh giá là “đúng, trúng và kịp thời”.
         Lần thứ 2 đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng bảo an trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực (tháng 4/2021), Việt Nam đã đề xuất và chủ trì tổ chức 4 sự kiện ưu tiên về vai trò của các tổ chức khu vực trong thức đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn chặn xung đột, khắc phục hậu quả bom mìn, bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu và bạo lực tình dục trong xung đột. Sáng kiến quan trọng nhất do Việt Nam thúc đẩy là phiên Thảo luận cấp cao trực tuyến với chủ đề “Vai trò của các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa xung đột” do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, diễn ra ngày 19/4/2021. Sự kiện này thêm một lần nữa khẳng định vai trò của Việt Nam trong việc tích cực đóng góp và chia sẻ trách nhiệm với Liên hợp quốc trong giải quyết xung đột, vì hòa bình, ổn định và phồn vinh của thế giới. Việt Nam mong muốn các tổ chức khu vực phát huy hơn nữa vai trò của mình, tăng cường hình ảnh và chia sẻ trách nhiệm với Liên hợp quốc trong việc ngăn ngừa và giải quyết xung đột trong khu vực và trên thế giới.
         Là một Quốc gia đã từng nếm trải qua bao mất mát, đau thương của chiến tranh, Việt Nam luôn quý trọng những giá trị của hòa bình, ổn định, độc lập, tự chủ. Là thành viên tích cực, chủ động, tin cậy của Liên hợp quốc, Việt Nam đã phát huy hết vai trò, trách nhiệm, đóng góp hết khả năng của mình vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng. Những đóng góp to lớn, tích cực trong chặng đường 44 năm qua của Việt Nam đã nhận được nhiều nhận định và đánh giá tích cực từ phía lãnh đạo Liên hợp quốc, các nước và dư luận quốc tế. Điều này góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam, tạo tiền đề để Việt Nam tự tin phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của mình, đảm đương và hoàn thành tốt trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như Đại dịch Covid-19, vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, vấn đề khủng bố, xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, tình hình chính sự ở Afghanistan và khu vực Trung Đông,.../.



Tài liệu tham khảo:

1. Khẳng định vai trò, tiếng nói của Việt nam tại Liên hợp quốc, Dangcongsan.vn: 18/9/2020
2. Việt Nam – thành viên tin cậy, chủ động, trách nhiệm của Liên hợp quốc, Vietnamplus.vn: 20/9/2020.
3. Việt Nam - thành viên chủ động, tích cực của Hội đồng Bảo an., Tuyengiao.vn:  1/4/2021.
4. Việt Nam họp tổng kết tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cand.com.vn: 01/5/2021.

 







 

Tác giả bài viết: Lê Thị Ngọc Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập192
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm185
  • Hôm nay3,667
  • Tháng hiện tại110,687
  • Tổng lượt truy cập9,312,344
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây