Tổng Bí thư Lê Hồng Phong nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam

Thứ bảy - 03/09/2022 23:08 607 0
Ngày 6 tháng 9 năm 2022, nhân dân cả nước cùng kỷ niệm chẵn 120 năm Ngày sinh và 80 năm Ngày mất của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong người cộng sản kiên cường, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Nghệ An, người chiến sỹ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902 - 2022). Nguồn TTXVN
Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902 - 2022). Nguồn TTXVN
Đồng chí Lê Hồng Phong sinh ngày 6 tháng 9 năm 1902 tại tổng Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Xuất thân trong một gia đình nông dân lao động, tại một tỉnh giàu truyền thống cách mạng, có phong trào đấu tranh chống bọn phong kiến và thực dân nổ ra liên tục như phong trào Cần Vương, tiếp đó là Việt Nam Quang Phục hội của Phan Bội Châu... nhưng các phong trào yêu nước lần lượt thất bại.
Thời gian sống và học tập tại quê nhà đồng chí lê Hồng Phong đã tận mắt chứng kiến cuộc sống bị bóc lột, bị áp bức bất công của nhân dân lao động do bọn thực dân, phong kiến gây ra. Và chính đồng chí cũng được thể nghiệm cuộc sống đó khi với thân phận là người thợ làm thuê. Vì vậy, cũng như bao thanh niên yêu nước khác, đồng chí căm ghét thực dân Pháp, nung nấu ý chí đánh pháp để giành lại độc lập cho dân tộc mình.
Đầu năm 1924 đồng chí cùng với Phạm Hồng Thái (một thanh niên yêu nước tiêu biểu lúc bấy giờ) sang Thái Lan, sau đó đi Trung Quốc tìm đường cứu nước, tham gia Tân Việt Thanh niên Đoàn (Tâm Tâm xã). Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lập ra tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (6/1925) thì Lê Hồng Phong là một trong những học trò đầu tiên của Người, được Người giác ngộ đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin và cách mạng vô sản. 
Từ tháng 8-1924 đến hết năm 1925, Lê Hồng Phong tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố của Chính phủ đần quốc. Đồng chí được chuyển sang Trường Hàng không ở Quảng Châu. Do học xuất sắc, đồng chí được Chính phủ Quảng Châu và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử sang Liên Xô học từ tháng 10-1926 đến tháng 12-1927 và tốt nghiệp Trường Lý luận quân sự không quân ở Lêningrát. Sau đó, đồng chí vào học Trường Đào tạo phi công quân sự tại Bôrítxgơlépxcơ. Học chưa xong khoá, thì tháng 10-1928, đồng chí được cử về học ở Trường Đại học Cộng sản Phương Đông. Ở đây, đồng chí trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô và tham gia trong Uỷ ban tổ chức Đảng nhóm Đông Dương. Sau ba năm học, đồng chí tốt nghiệp Trường Đại học Cộng sản Phương Đông. Đồng chí vào học tiếp năm thứ nhất nghiên cứu sinh, đang học đờ dang thì tháng 11-1931, đồng chí được cử về nước để tham gia công tác của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Như vậy, có thể thấy đồng chí Lê Hồng Phong là một trong những đảng viên – hạt giống đỏ của cách mạng Việt Nam được tích luỹ tri thức lý luận chính trị và quân sự tương đối hoàn chỉnh nhất lúc bấy giờ.
Cách mạng Việt Nam lúc này ở vào một thời điểm khó khăn, từ sau cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh đến năm 1935 phần lớn các tổ chức của Đảng bị tan rã hoặc tê liệt do chính sách đàn áp của thực dân Pháp. Mối liên hệ giữa các cơ quan Trung ương Đảng và đảng bộ địa phương, ngay giữa các cơ sở đảng trong một địa phương cũng bị chia cắt. Toàn bộ Ban Thường vụ và một số uỷ viên Trung ương Đảng, cán bộ xứ uỷ, tỉnh uỷ..., nhiều người cũng bị bắt và bị giết hại. Các lãnh tụ và những cốt cán của Đảng, từ Nguyễn Ái Quốc đến Trần Phú, Nguyễn Phong Sắc, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh,... bị bắt, bị truy nã hoặc bị kết án tử hình. Tình hình trên đòi hỏi việc khôi phục phong trào cách mạng, khôi phục Đảng là một nhiệm vụ lịch sử bức xúc của sự nghiệp giải phóng nhân dân ta. Trước yêu cầu của tình hình mới, tháng 3 năm 1934, Ban Chỉ huy ở ngoài được thành lập, có chức năng như một Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng ở nước ngoài và đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư. Tháng 3 năm 1935 Đảng Cộng sản Đảng Dương đã tiến hành Đại hội lần thứ I. Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư.

Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Lo sợ trước phong trào cách mạng dâng cao, thực dân Pháp tăng cường đàn áp. Tháng l năm 1940, chúng bắt giam Lê Hồng Phong tại quê, rồi giam vào Khám Lớn Sài Gòn, cuối năm 1940, chúng đày đồng chí ra Côn Đảo. Trước những đòn tra tấn dã man, liên tục của địch, đồng chí vẫn nêu cao chí khí cách mạng, không khai báo một lời. Chúng hành hạ đồng chí cho đến kiệt sức.
Trưa ngày 6 tháng 9 năm 1942, đúng ngày sinh nhật của mình, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đã trút hơi thở cuối cùng trong xà lim số 5. Trước lúc hy sinh, Lê Hồng Phong nhắn lại: "Xin chào tất cả các đồng chí, nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới phút cuối cùng Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng".

Tác giả bài viết: Ths. Phạm Xuân Quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập67
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm65
  • Hôm nay9,476
  • Tháng hiện tại156,387
  • Tổng lượt truy cập9,118,749
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây