Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” (Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 05, tr. 269). Thấm nhuần lời dạy của Người, Trường Chính trị tỉnh đã làm tốt nhiệm vụ được giao, ngày càng khẳng định uy tín, vị thế của Trường Đảng địa phương. Trong 21 năm (1997-2018), Trường Chính trị tỉnh Bình Phước (Trường) đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
SỨ MỆNH
Sau ngày thành lập (6-1-1997), Trường đã tổ chức đào tạo cán bộ theo Quyết định số 88-QĐ/TW ngày 5-9-1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng với 4 nhiệm vụ trọng tâm. Trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học vô cùng thiếu thốn, đội ngũ cán bộ, giảng viên chỉ có 7 người, Trường phải mượn trụ sở để tổ chức khai giảng lớp trung cấp lý luận chính trị đầu tiên vào ngày 1-3-1997, với 51 học viên. Đây là cột mốc đặt nền móng cho công cuộc đào tạo cán bộ tỉnh. Mặc dù kết quả đào tạo của Trường trong những năm đầu thành lập còn rất khiêm tốn nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đã đáp ứng được yêu cầu công tác cán bộ trong điều kiện cán bộ vừa thiếu vừa yếu của tỉnh mới tái lập. Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm việc với Trường Chính trị tỉnh Cùng với sự phát triển của tỉnh, Trường từng bước mở rộng quy mô, loại hình đào tạo, cơ sở vật chất được tăng cường; đội ngũ cán bộ, giảng viên ngày càng lớn mạnh.
Từ năm 2008, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Trường tăng lên và nặng nề hơn khi Ban Bí thư ban hành Quyết định số 184-QĐ/TW ngày 3-9-2008, giao cho hệ thống các trường chính trị cấp tỉnh thực hiện 9 nhiệm vụ cơ bản. Trong đó, trọng tâm là đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính; tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng lãnh đạo quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho các chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý từ tỉnh đến cơ sở theo phân cấp; bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, xã; bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp ủy các cấp; phối hợp tổ chức đào tạo cao cấp lý luận chính trị và cử nhân một số chuyên ngành theo yêu cầu của tỉnh...
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trải qua 21 năm thực hiện sứ mệnh, Trường đã đào tạo, bồi dưỡng được 415 lớp, với hơn 39.000 lượt học viên. Riêng năm 2018, đào tạo, bồi dưỡng được 85 lớp, với hơn 7.500 lượt học viên, cao kỷ lục trong 21 năm qua. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng từng bước được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ trong giai đoạn mới. Có thể khẳng định rằng, Trường Chính trị đã góp phần xứng đáng trong xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh, phục vụ thiết thực quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh sau ngày tái lập. Đặc biệt, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình đột phá về “Đào tạo, thu hút cán bộ và phát triển nguồn nhân lực” và “Đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2005-2010 và lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra. Đồng thời, góp phần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh, phục vụ nhân sự đại hội đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều trăn trở về chất lượng dạy và học của Trường, về những biểu hiện xem nhẹ việc học lý luận chính trị, về khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn công tác của học viên sau khi tốt nghiệp...
TẦM NHÌN
Trước yêu cầu phát triển của xã hội, sự đòi hỏi ngày càng cao trong công tác cán bộ, cần có định hướng dài hơi trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh. Trường đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy ban hành Đề án “Xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Bình Phước giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn 2030”. Đây là bước đột phá của Trường Chính trị tỉnh, là kết quả của tư duy đổi mới, sự nỗ lực, cố gắng trong công tác tham mưu của nhà trường; đồng thời, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy để xây dựng và phát triển Trường Đảng địa phương trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn có chất lượng cao của tỉnh. Trong hoạt động đào tạo sẽ tăng cường đào tạo hệ tập trung, giảm đào tạo hệ vừa làm vừa học; tổ chức đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính từ nay đến năm 2030 cho khoảng 6.500 học viên (mỗi năm đào tạo khoảng 500 học viên). Phối hợp đào tạo cao cấp lý luận chính trị, từ nay đến năm 2030 đào tạo khoảng 1.170 học viên (mỗi năm đào tạo khoảng 90 học viên). Phối hợp đào tạo thạc sĩ một số chuyên ngành phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh... Trong hoạt động bồi dưỡng sẽ mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình bồi dưỡng; tổ chức bồi dưỡng ngạch chuyên viên cho khoảng 490 học viên (2 năm 1 lớp, mỗi lớp khoảng 70 học viên); chuyên viên chính khoảng 1.040 học viên (mỗi năm 1 lớp, mỗi lớp khoảng 70 học viên); tổ chức cho 100% cán bộ lãnh đạo quản lý được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo chức danh quy định; bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp ủy các cấp; bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ và nghiệp vụ cho cán bộ.
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
Để xứng đáng với danh hiệu Trường Đảng của tỉnh, định hướng phát triển của Trường là: không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Đề cao phương châm: gắn lý luận với thực tiễn, gắn trang bị kiến thức với phương pháp làm việc, gắn nâng cao trình độ, năng lực với rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học viên. Đảm bảo học viên sau khi tốt nghiệp có lập trường tư tưởng vững vàng; có trình độ lý luận chính trị sâu sắc, tư duy đổi mới, sáng tạo, thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công; có tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước dân. Xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tăng giảng viên các khoa, giảm viên chức hành chính. Tập trung nâng cao trình độ chuyên sâu, kiến thức thực tiễn, phương pháp sư phạm, kỹ năng công tác, hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đầu đàn làm nòng cốt ở các phòng, khoa, xứng đáng là người thầy, người cán bộ, giảng viên Trường Đảng địa phương.
Thực hiện tốt 5 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Trường Chính trị tỉnh Bình Phước, đó là: Bản lĩnh chính trị vững vàng; đạo đức trong sáng, tâm huyết, giữ gìn danh dự, nhân cách nhà giáo. Giảng dạy dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng, gắn lý luận với thực tiễn. Tư duy nghiên cứu khoa học độc lập, tự chủ, sáng tạo. Tham mưu trách nhiệm, chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Làm việc siêng năng, ứng xử văn hóa, tinh tế, thân thiện, hợp tác. Nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận. Tập trung nghiên cứu các đề tài phục vụ trực tiếp cho nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.Chủ động tham mưu, tư vấn cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong hoạch định cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học, từng bước hiện đại, hướng đến đạt chuẩn theo tiêu chí của Trung ương. Triển khai xây mới ký túc xá theo hướng hiện đại, đồng bộ, tích hợp nhiều công năng sử dụng, đáp ứng nhu cầu lưu trú của học viên.
Từ sứ mệnh của mình, Trường Chính trị tỉnh sẽ quyết tâm phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, nâng cao uy tín, vị thế, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh, từng bước trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chất lượng cao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước.