Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946: Một quyết định lịch sử, chính xác và kịp thời đối với dân tộc Việt Nam

Thứ tư - 16/12/2020 00:04 11.609 0
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến cách đây 74 năm, kêu gọi toàn dân tộc nhất tề đứng lên, tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.
         Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời, đang còn “trứng nước” đã phải đứng trước tình thế hiểm nghèo, vô cùng khó khăn và đầy thách thức. Đất nước bị các thế lực đế quốc phản động bao vây và tiến công. Trước sự đe dọa nghiêm trọng của kẻ thù với khó khăn to lớn trực tiếp đe dọa đến sự tồn tại của chính quyền cách mạng. “Từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch ồ ạt kéo vào Hà Nội và hầu hết các tỉnh. Theo sau chúng là các tổ chức chính trị phản động người Việt Nam, như Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc), Việt Nam cách mạng đồng minh Hội (Việt Cách). Núp dưới danh nghĩa Đồng Minh vào tước vũ khí giới quân Nhật, bọn Tưởng và tay sai âm mưu tiêu diệt Đảng Cộng Sản, lật đổ chính quyền cách mạng, thành lập chính quyền phản động. Từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam, cũng dưới danh nghĩa Đồng minh, quân đội Anh dọn đường cho thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Nhân cơ hội đó thì bọn phản cách mạng ngốc đầu dậy, làm tay sai cho Pháp chống phá cách mạng”(1).
    Trong khi kẻ thù hoành hành ở cả hai đầu đất nước thì đời sống kinh tế, xã hội nước ta gặp nhiều khó khăn chồng chất, đặt nước ta đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Trước tình hình như vây, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu sáu nhiệm vụ cấp bách trước mắt xây dựng và cũng cố chính quyền cách mạng vừa giành được: “chống đói, chống dốt, tổ chức tuyển cử, xây dựng đời sống mới, xóa bỏ các thứ thuế vô lí, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng. Sau đó Người bổ sung và khái quát thành ba nhiệm vụ lớn: Diệt giặc đói, diệt giặt dốt, diệt giặc ngoại xâm”(2). 
    Vào thời điểm đó “ngày 23/9/1945 quân Pháp đánh úp trụ sở Uỷ ban nhân dân Nam Bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai”(3). Vốn giàu lòng yêu nước và tinh thần quả cảm hi sinh, quân dân ta đã đánh trả quyết liệt bọn xâm lược Pháp bằng mọi hình thức và mọi thứ vũ khí, tiến hành bao vây và ngăn chặn không cho chúng đánh lan ra. Đến “tháng 10/1945, sau khi được tăng thêm viện binh, đã phá vỡ vòng vây Sài Gòn – Chợ Lớn. Ngày 25/10/1945, Xứ ủy Nam Bộ họp tại Thiên Hộ (Mỹ Tho) kiểm điểm tình hình cuộc kháng chiến và đề ra các biện pháp về quân sự, chính trị…tiếp tục đẩy mạnh kháng chiến. Bản Chỉ thị về Kháng chiến kiến quốc ngày 25/11/1945 nêu rõ “Cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng…Khẩu hiệu vẫn là “Dân tộc trên hết. Tổ quốc trên hết”. Kẻ thù của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng” (4).
      Để tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chủ yếu trước mắt là thực dân Pháp, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện đường lối chiến lược, sách lược khôn khéo, mềm dẻo để vừa tránh được âm mưu khiêu khích của Tưởng Giới Thạch, vừa giữ được độc lập, chủ quyền của dân tộc ta. Bằng cách nhân nhượng Tưởng bằng cách “cho tay sai của chúng giữ 70 ghế trong Quốc hội, giữ chức Phó chủ tịch nước, Bộ trưởng ngoại giao…thỏa mãn cho chúng một số quyền lợi về kinh tế, tài chính”(5), ta đã hạn chế được sự phá hoại của chúng, tạo cơ hội để ta lột mặt nạ của bọn phản động, trừng trị bọn ngoan cố, xóa bỏ các ổ, nhóm phản động, giải tán các đảng phái chính trị tay sai đế quốc.
     Lợi dụng thời cơ 20 vạn quân Tưởng sẽ rút về nước khi quân Pháp ra Bắc, vả lại, nhân dân ta chưa có thể đánh thắng quân Pháp ở miền Bắc khi quân Tưởng chưa rút, cần phải có thêm thời gian để chuẩn bị lực lượng. “Vào lúc 16h30 ngày 6/3/1946, tại ngôi nhà số 38 phố Lý Thái Tổ, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh, đại diện cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa ký với Chính phủ Pháp là Xanhtơny bản Hiệp định sơ bộ”(6). Hai bên thực hiện ngừng bắn ngay ở miền Nam, tạo không khí thuận lợi cho việc mở rộng đàm phán chính thức ở Paris.
      Tuy nhiên Hiệp định kí chưa ráo mực thì thực dân Pháp đã có hành động bội ước. Trước tình hình đó, nhằm kéo dài thời gian hòa hoãn để cũng cố và xây dựng thêm lực lượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc này đang ở thăm Pháp) tiếp tục  kí với Chính phủ Pháp Tạm ước ngày 14/9/1946, tiếp tục nhượng bộ Pháp một số quyền lợi về kinh tế, văn hóa ở Việt Nam. Việc kí với Pháp Hiệp định Sơ bộ 6/3 và Tạm ước 14/9/1946, chúng ta đã tránh được cuộc chiến đấu bất lợi với Pháp, lại gạt được 20 vạn quân Tưởng cùng bọn tay sai của chúng ra khỏi nước ta, “tuy nhiên những nổ lực ngoại giao của Chính Phủ ta sau Tạm ước 14/9/1946 đều bị tư tưởng hiếu chiến của thực dân Pháp phá bỏ”(7). Vì muốn hòa bình nên chúng ta phải nhân nhượng, còn thực dân Pháp thì tìm mọi cách để thực hiện âm mưu xâm lược nước ta nhanh hơn.
     Trước âm mưu xâm lược của Pháp “tháng 11/1946 quân Pháp tiếp tục nổ súng ở Hải Phòng, Lạng Sơn. Ta đã cử người đi dàn xếp các cuộc xung đột, nhưng đều không có kết quả. Đến ngày 18/12/1946, Pháp gửi tối hậu thư đòi Chính phủ ta giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng. Dân tộc Việt Nam đứng trước hai con đường: chiến đấu hay đầu hàng"(8).
    Tình thế hết sức căng thẳng, bộ mặt xâm lược của thực dân Pháp đã lộ rõ. Nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là cầm súng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được. Trước tình hình đó Hội nghị Ban thường vụ Trung ương Đảng họp ngày 18 và 19/12/1946 đã quyết định phát động toàn quốc kháng chiến. Hội nghị cũng đề ra những vấn đề cơ bản về đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh. Ngay trong đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến:
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”(9)

       Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngắn gọn, nhưng chứa đựng trong đó là sự hùng hồn, đanh thép, cổ vũ mãnh mẽ, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất của nhân dân Việt Nam. Đáp lời kêu gọi cứu nước của Người, nhân dân cả nước nhất tề đứng lên giết giặc cứu nước. “Đúng 20 giờ ngày 19/12/1946, ánh đèn trên các đường phố Hà Nội phụt tắt, liền đó tiếng súng vang dậy khắp thành phố, báo hiệu cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ”(10). Với những vũ khí thô sơ, nhưng với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, chiến sĩ ta có sự hỗ trợ tích cực của nhân dân vẫn ngày đêm chiến đấu kiên cường bám trụ, giành giật với địch từng căn nhà, từng góc phố. Cùng với Hà Nội, quân dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam cùng nhau đoàn kết, anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc chung một ý chí, chung một nguyện vọng, nhất tề đứng lên, với niềm tin mãnh liệt vào ngày đại thắng của dân tộc. 
       Có thể khẳng định rằng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 19/12/1946  là một quyết định lịch sử, chính xác và kịp thời đối với dân tộc Việt Nam,  bám sát vào tình hình lịch sử, dự đoán và nắm bắt đúng thời cơ, chọn đúng mặt trận chính, tính toán thời điểm nổ súng chính xác, tạo nên thế trận mới cho mặt trận tại  Hà Nội có điều kiện giam chân quân địch, để cả nước chuyển vào kháng chiến trường kỳ. Việc nổ súng phát động toàn quốc kháng chiến ngày 19/12 giữa Thủ đô là một trường hợp hiếm có và chưa từng thấy trong lịch sử, thể hiện một nghệ thuật khởi đầu cuộc chiến tranh cách mạng thật đúng đắn, quả cảm và sáng tạo.
     74 năm đã trôi qua nhưng khí thế hào hùng của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã trở thành ngày lịch sử, là dấu son chói lọi không thể nào quên trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, nhưng giá trị lịch sử của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Bình Phước nói riêng, luôn trung thành với vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Ngày toàn quốc kháng chiến hàng năm là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ôn lại những bài học sâu sắc của lịch sử, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân, đồng sức chung lòng tạo nguồn động lực to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc./.

 Tài liệu tham khảo:
(1) Lịch sử Việt Nam (Từ nguồn gốc đến ngày nay). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998, tr.355.
(2) Lịch sử Việt Nam (Từ nguồn gốc đến ngày nay). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998, tr.356.
(3) Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Nxb Lý luận chính trị. tr.187.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, t.8, tr.26.
(5) Lịch sử Việt Nam (Từ nguồn gốc đến ngày nay). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998, tr.361.
(6) Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Nxb Lý luận chính trị. tr.190.
(7) Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Nxb Lý luận chính trị. tr.192.
(8) Lịch sử Việt Nam (Từ nguồn gốc đến ngày nay). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998, tr.363.
(9) Lịch sử Việt Nam (Từ nguồn gốc đến ngày nay). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998, tr.363.
(10) Lịch sử Việt Nam (Từ nguồn gốc đến ngày nay). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998, tr.363.

 

Tác giả bài viết: Vũ Hữu Hải - Phạm Minh Triều

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

thuocladientu
 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập64
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay5,084
  • Tháng hiện tại180,770
  • Tổng lượt truy cập7,356,737
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây