Sách lược hòa hoãn, nhân nhượng với kẻ thù trong giai đoạn (1945 - 1946) - Một chủ trương lớn, có ý nghĩa chiến lược, quyết định của cách mạng Việt Nam

Thứ hai - 30/08/2021 06:11 199.096 0
Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, một nhà nước non trẻ vừa mới ra đời đã phải đương đầu với nhiều khó khăn và kẻ thù hơn bao giờ hết. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện một số chính sách hòa hoãn, nhân nhượng với kẻ thù là xuất phát từ đường lối ngoại giao hòa bình, đồng thời cũng xuất phát từ hoàn cảnh thực tế lúc đó, hoàn cảnh cách mạng “ngàn cân treo sợi tóc”, hòa thì còn và đánh thì rất có thể mất. Chính vì những biện pháp hòa hoãn, nhân nhượng với kẻ thù được thực hiện mà chúng ta đã giữ được chính quyền, thế và lực của cách mạng phát triển, tạo tiền đề cơ sở để giành thắng lợi các thời kỳ cách mạng sau này.
1 lpdm
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình,
khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 
ngày 2-9-1945. (Ảnh tư liệu). Nguồn: ( tapchiqptd.vn)
      Lênin đã từng dạy những người cách mạng rằng: “Thấy cuộc chiến đấu rõ ràng có lợi cho kẻ thù chứ không có lợi cho ta mà cứ nghênh chiến, đó là một tội ác; và những nhà chính trị nào của giai cấp cách mạng, không biết “lựa chiêu, liên minh và thỏa hiệp” để tránh một cuộc chiến đấu bất lợi rõ rệt thì đó là những người vô dụng”(1). Sau Cách mạng Tháng Tám là thời kỳ cách mạng nước ta gặp rất nhiều khó khăn và thách thức với nhiều kẻ thù nguy hiểm, thù trong giặc ngoài. Để giữ vững nền độc lập vừa giành được, biểu hiện tập trung ở việc giữ chính quyền cách mạng và bước đầu xây dựng một xã hội mới, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải thực hiện sách lược hòa hoãn với kẻ thù, ngăn chặn và làm thất bại âm mưu “diệt Cộng, cầm Hồ”, thôn tính nước ta của hai tên đế quốc Tàu Tưởng và Pháp. Mục tiêu chính sách đối ngoại nhất quán của Đảng và Chính phủ ta là độc lập, hòa bình và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Đứng trước nhiều kẻ thù mạnh, chúng ta lại vô cùng khó khăn, sức mạnh vật chất còn hạn chế, nhưng Đảng ta đã phát huy được sức mạnh vật chất, sức mạnh chính trị tinh thần vào công cuộc kháng chiến kiến quốc cũng như trong đấu tranh ngoại giao. Đến cuối năm 1946, chỉ mới hơn một năm xây dựng lực lượng trong bối cảnh đầy rẫy khó khăn, vừa xây dựng vừa chiến đấu, nhưng chúng ta đã có được lực lượng chính trị hùng hậu của toàn dân, có một chính quyền hợp pháp được cũng cố từ Trung ương đến làng xã, có một cơ sở kinh tế văn hóa nhất định, có lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân đông đảo rộng khắp, với một Đảng Cộng sản được cũng cố và phát triển ngày càng trưởng thành lãnh đạo. Chúng ta lại có được sự ủng hộ quốc tế ngày càng rộng rãi. Đó là sức mạnh tổng hợp của đất nước ta, của dân tộc ta và của cả thời đại.
     Khi bước vào cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược, đồng thời phải thường xuyên phải đối phó với sự chống trả điên cuồng của quân Tưởng cùng bọn tay sai, nhưng Đảng ta vẫn kiên trì cuộc đấu tranh để đạt tới hòa hoãn. Ta hoà hoãn với Tưởng và bọn tay sai ở phía Bắc, đồng thời đẩy mạnh kháng chiến chống Pháp ở phía Nam. Để đạt được hòa hoãn với quân Tưởng, ta phải nhân nhượng nhiều điều, trong đó có điều quan trọng như Đảng phải tuyên bố tự giải tán, phải cho bọn Việt quốc, Việt cách tham gia chính quyền cách mạng…Những nhân nhượng đó đã gây ra những khó khăn, phức tạp mới và là những điều ta không muốn. Nhưng trước tình thế sống còn của độc lập dân tộc, của chính quyền cách mạng, thì sự nhân nhượng cùng những biện pháp đấu tranh khác để đạt tới hòa hoãn là điều cần thiết, là sự đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hòa với Tưởng, ta phá được âm mưu của chúng định dùng vũ lực lật đổ chính quyền cách mạng, lập chính quyền của bọn tay sai. Việc cho bọn tay sai Tưởng tham gia chính quyền nhà nước vừa phá được luận điệu tuyên truyền “Việt Minh, cộng sản độc quyền”, phá được sức ép đòi Chính phủ ta phải từ chức, chúng cũng không thực hiện được ý đồ phá hoại, tiến tới giành chính quyền bằng biện pháp chính trị, ngoại giao. Trái lại, bọn phản động hoàn toàn bất lực, tự lột mặt nạ trước nhân dân và trốn chạy theo đế quốc. Chính quyền cách mạng không hề thay đổi về tính chất và ngày càng được cũng cố. Đảng Cộng sản Đông Dương ra thông báo tự ý giải tán là vì yêu cầu của tình thế và là một sách lược nhân nhượng để đạt tới hòa hoãn. Thực chất là Đảng rút vào hoạt động bí mật, vẫn tiếp tục phát triển củng cố, vẫn lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo chính quyền.
      Việc Hòa với Tưởng ta có điều kiện để tập trung lực lượng chống Pháp, cuộc hòa hoãn này đối với Pháp là một bất lợi. Pháp coi Tưởng và ta như đồng mình với nhau để ngăn chặn mưu đồ của Pháp, hơn một năm quân Tưởng đóng quân trên đất nước ta, chúng ta đã thực hiện được hòa hoãn với chúng. Kết quả cuối cùng kẻ địch không thực hiện được dã tâm của chúng, trái lại, ta thực hiện được mục tiêu chiến lược là giữ vững độc lập, giữ vững chính quyền. Việc hòa với Tưởng là hòa với một kẻ thù trực tiếp nguy hiểm, nhưng không phải kẻ thù chính để phân hóa, cô lập, tập trung lực lượng đấu tranh bằng biện pháp quân sự chống kẻ thù chính. Còn hòa với Pháp là hòa ngay với kẻ thù chính để loại bớt một kẻ thù trực tiếp nguy hiểm và tranh thủ trạng thái không có chiến tranh để xây dựng đất nước, chuẩn bị lực lượng đối phó với một cuộc chiến tranh lớn nếu kẻ thù cố tình gây ra. Đó là một điều khá đặc biệt được đặt ra và giải quyết trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. 
     Nhờ sách lược hòa hoãn, nhân nhượng với thực dân Pháp, mà gần một năm tạm hòa bình, đã cho chúng ta thời giờ để xây dựng lực lượng căn bản, đặc biệt việc ký Hiệp định Sơ bộ 6/3 và Tạm ước ngày 14/9 là được xem là những phương thuốc hồi sinh cho Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói nói “Chúng ta cần hòa bình để xây dựng nước nhà, cho nên chúng ta đã ép lòng mà nhân nhượng để giữ hòa bình”(2). Trong hoàn cảnh đó hòa hoãn, nhân nhượng tuy là vấn đề sách lược, nhưng lại là một chủ trương lớn, có ý nghĩa chiến lược. 
     Ta chủ trương hòa hoãn là nhằm giành thắng lợi cho cách mạng. Nhưng việc thực hiện chủ trương này cũng còn tùy thuộc cả phản ứng của kẻ thù. Để đạt được hòa hoãn cũng là một cuộc đấu tranh. Ta khoét sâu những chổ yếu của địch, những mâu thuẫn trong nội bộ chúng, vừa mềm dẻo nhân nhượng, vừa kiến quyết đấu tranh giữ vững những vấn đề có tính nguyên tắc của cách mạng. Cuộc đấu tranh để đạt được hòa hoãn và đấu tranh trong quá trình hòa hoãn là cuộc đấu tranh cách mạng gay go, phức tạp, tinh vi và đầy bất trắc. Nhiều lần kẻ thù nói chung, hoặc một thế lực nào đó của kẻ thù tạo cớ và kiếm cớ để lật đổ chính quyền cách mạng. Nhưng chúng ta luôn cảnh giác, chuẩn bị sẵn nhiều phương án, dùng đấu tranh chính trị, ngoại giao với lực lượng đông đảo quần chúng làm hậu thuẫn, nên đã không để kẻ thù biến việc nhỏ thành việc lớn, việc đơn giản thành nghiêm trọng. Thậm chí ta phải nín nhịn trong một số trường hợp để giữ được hòa bình. Cuộc đấu tranh trong hòa hoãn không hoặc ít đổ máu, nhưng lại rất phức tạp, phải vận dụng nhiều cách linh hoạt, đòi hỏi những người thực thi phải hết sức vững vàng, khôn khéo.
     Việc thực hiện hòa hoãn, không cách nào khách là chúng ta phải nhân nhượng. Nhân nhượng nhiều hay ít phụ thuộc trước hết vào so sánh lực lưỡng giữa ta và địch, đồng thời cũng do kết quả tài năng đấu tranh của ta. Mỗi cuộc hòa hoãn có hoàn cảnh khác nhau nên sự nhân nhượng cũng khác nhau. Vấn đề là phải xem xét nhân nhượng như vậy có phản ánh đúng tương quan lực lượng đôi bên không? Những nhân nhượng đó có vi phạm nguyên tắc cách mạng hay không? Có nhầm đạt tới mục tiêu cuối cùng của cách mạng hay không? Và thực tiễn lịch sử đã phán xét ra sao?. Những nhân nhượng của ta với quân Tưởng và bọn tay sai là những nhân nhượng lớn, trên những vấn đề quan trọng của cách mạng. Nhưng những nhân nhượng đó không vi phạm nguyên tắc của cách mạng lúc này là giữ vững độc lập thống nhất của Tổ quốc mà biểu hiện tập trung là giữ vững chính quyền cách mạng.
     Việc hòa hoãn với Pháp đặt ra cho chúng ta những vấn đề phức tạp hơn, điều kiện hòa hoãn cũng nặng nề hơn. Cuộc đấu tranh giữa ta và Pháp gay go kéo dài. Hai vấn đề trọng yếu đấu tranh gay go trong quá trình đàm phán là vấn đề Pháp công nhận nền độc lập thống nhất của Việt nam và vấn đề Việt Nam đồng ý để quân đội Pháp vào Bắc kỳ thay thế quân độ Trung Hoa. Cuối cùng Chính phủ Pháp phải công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do có chính phủ riêng, nghị viện riêng, quân đội riêng, tài chính riêng, việc thống nhất ba kỳ do nhân dân Việt Nam quyết định. Phía ta phải chấp nhận quyền đóng quân tạm thời với số quân hạn chế của Pháp trên đất Bắc Kỳ. Sau khi ký Hiệp định Sơ bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với Xanh-tơ-ny: “Các ông thừa hiểu rằng nguyện vọng của tôi còn muốn hơn thế nhiều. Nhưng tôi biết rõ rằng không thể nào một lúc mà có tất cả”(3).
     Nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân ta là độc lập thống nhất hoàn toàn, nhưng hoàn cảnh lịch sử chưa cho phép chúng ta đạt tới mục tiêu đó. Tương quan lực lượng buộc ta phải nhân nhượng. Đó là những nhân nhượng cần thiết, đúng đắn và mưu lược. Chúng ta dừng lại để tiến lên, chứ không phiêu lưu lao vào một cuộc chiến một cách vô dụng. Lê nin đã dạy “Đối với chính đảng vô sản, không có sai lầm nào nguy hiểm hơn là định sách lược của mình theo ý muốn chủ quan…Định ra một sách lược vô sản theo ý muốn chủ quan là giết sách lược đó” (4).
     Sự nhân nhượng có thể ít, có thể nhiều. Có khi đã nhân nhượng lần này, lại phải tiếp tục nhân nhượng lần khác. Nhưng nhất thiết phải có điểm dừng. Vượt quá điểm dừng ấy là phạm vào nguyên tắc cách mạng. Bao giờ cũng vậy, trạng thái hòa bình là điều kiện thuận lợi nhất để xây dựng đất nước và bảo vệ đất nước, nhưng không phải hòa bình với bất cứ giá nào. Hòa với Tưởng, chúng ta đã nhân nhượng về kinh tế, chính trị…, nhưng những yêu sách ngỗ ngược quá đáng của chúng như đòi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chức, đòi loại các bộ trưởng cộng sản ra khỏi Chính phủ, đòi để bọn tay sai lãnh đạo chính quyền…thì chúng ta kiên quyết cự tuyệt. Bởi chấp nhận những điều đó là mất chính quyền, mất độc lập tự do, là phạm vào nguyên tắc cách mạng. Ngay nhân nhượng về kinh tế, nhân nhượng này không phạm vào chủ quyền quốc gia dân tộc, nhưng cũng có giới hạn. Có lần Lư Hán đòi ta phải cung cấp thêm nhiều gạo nữa cho quân Tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết cự tuyệt.
     Việc ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3 là một nhân nhượng của ta. Tạm ước 14/9 lại là một bước nhân nhượng nữa để cố cứu vãn nền hòa bình mỏng manh. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Chúng ta không thể chấp nhận tối hậu thư như đòi giải giáp Quân đội Quốc gia, đòi trao toàn bộ quyền lực cai quản đất nước ta cho Pháp. Toàn dân ta đã đứng lên kháng chiến. Đó là quan điểm, cách thức giải quyết mối quan hệ giữa mềm dẻo linh hoạt về sách lược với giữ vững nguyên tắc chiến lược, đó cũng là sự khác biệt hoàn toàn với tư tưởng hữu khuynh đầu hàng thủ tiêu đấu tranh, “hòa giải”, “hợp tác” với kẻ thù bất cứ giá nào. C.Mác từng dạy “Trong chính trị - vì một mục đích nào đó có thể liên minh thậm chí ngay với quỷ - chỉ cần biết chắc là anh sẽ xỏ mũi con quỷ chứ không phải là con quỷ xỏ mũi anh”(5). Lênin cũng chỉ rõ mối quan hệ này “Nhiệm vụ của một đảng thật sự cách mạng không phải là tuyên bố rằng không thể cự tuyệt mọi sự thỏa hiệp trong trường hợp không thể tránh được thỏa hiệp, giữ thái độ trung thành với những nguyên tắc cả mình, với gia cấp mình, với nhiệm vụ cách mạng của mình, với sự nghiệp của mình là chuẩn bị cuộc cách mạng và giáo dục quần chúng để đi đến cách mạng thành công”.
     Đánh giá sách lược hòa hoãn, nhân nhượng với kẻ thù thời kỳ 1945 – 1946, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẫn khẳng định “Những biện pháp cực kỳ sáng suốt đó đã được ghi vào lịch sử cách mạng nước ta như một mẫu mực tuyệt vời của sách lược Lê-nin-nít về lợi dụng những mâu thuẫn trong hàng ngũ địch và về nhân nhượng có nguyên tắc”(6). Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ rằng “Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”, nghĩa là phải “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Người luôn nêu cao ngọn cờ đại nghĩa là độc lập và thống nhất Tổ quốc, đó là nguyên tắc bất biến để ứng phó với mọi tình huống. Khi mà thực dân Pháp gây ra cuộc chiến tranh ở Nam Bộ, Người đã khẳng định: nếu cần phải hy sinh, nếu cần phải kháng chiến “để giữ gìn chủ quyền độc lập của Việt Nam, để cho con cháu Việt Nam khỏi kiếp nô lệ, thì chúng ta vẫn kiên quyết hy sinh và kháng chiến”(7).
     Độc lập, thống nhất cũng chính là ngọn cờ để tập hợp lực lượng toàn dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, chống kẻ thù xâm lược. Chính nhờ Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sách lược linh hoạt hòa hoãn, nhân nhượng với kẻ thù, giữ vững nguyên tắc chiến lược mà cách mạng đã vượt qua những thử thách hiểm nghèo, giành thắng lợi từng bước, đưa cách mạng cả nước tiến lên, vững chắc đi tới thắng lợi hoàn toàn./.
Tài liệu tham khảo:
(1). V.I.Lênin, Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tr.77.
(2). Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tr.62.    
(3). J.Xanh-tơ-ny: Đối diện Hồ Chí Minh, Pa-ri, 1970, Bản dịch, Tư liệu Viện Hồ Chí Minh, tr.58.
(4). V.I.Lênin: Toàn tập, tập 31, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1981, tr.435.
(5). C. Mác, Tiểu sử, Nxb Khoa học xã hội, H.1975, tr.570.
(6). Lê Duẫn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành thắng lợi mới, In lần thứ ba, Nxb Sự thật, H.1975, tr.33.
(7). Lê Duẫn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành thắng lợi mới, In lần thứ ba, Nxb Sự thật, H.1975, tr.33.

Tác giả bài viết: Phạm Minh Triều

Tổng số điểm của bài viết là: 18 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

thuocladientu
 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay3,106
  • Tháng hiện tại248,922
  • Tổng lượt truy cập7,626,671
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây