Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

https://truongchinhtri.edu.vn/home


Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và bước ngoặt của cách mạng Việt Nam

Cách đây 110 năm, ngày 05/6/1911, trên con tàu “Đô đốc Latouche Tréville”, xuất phát từ bến cảng Nhà Rồng của Sài Gòn, người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước với một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” với mục tiêu giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)
      Vào cuối thế kỷ XIX, dân tộc Việt Nam bị thực dân Pháp đàn áp khai thác thuộc địa. Khi đó, thực dân Pháp và triều đình phong kiến nhà Nguyễn đã cấu kết thống trị nước ta, dân ta hết sức khó khăn, một cổ hai tròng, nhân dân ta lại càng lầm than, khổ cực. Đứng trước vận mệnh của lịch sử lúc ấy, cả nước đã có nhiều nhà yêu nước đứng lên lãnh đạo các phong trào đấu tranh diễn ra nhằm chống lại sự áp bức bóc lột đó. Các phong trào yêu nước diễn ra liên tiếp và theo nhiều khuynh hướng tư tưởng, con đường khác nhau, nhiều nhà yêu nước nổi tiếng như Phan Đình Phùng, Cao Thắng, Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Tôn Thất Thuyết, Lương Văn Can...dù diễn ra hết sức mạnh mẽ nhưng hầu hết kết cục đều bị thất bại. Sự thất bại của các phong trào yêu nước Việt Nam diễn ra từ cuối thế kỷ XIX đã làm cho cách mạng Việt Nam khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc. Đứng trước vận mệnh của dân tộc Việt Nam lúc ấy, người thanh niên Nguyễn Tất Thành với tinh thần yêu nước mãnh liệt đã nhận thức được sự thất bại của các nhà yêu nước đi trước, từ đó người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lựa chọn cho mình một con đường riêng với mục tiêu là giải phóng dân tộc.
       Ngày 05-6-1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ bến cảng Nhà Rồng, Sài Gòn, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Ban đầu Người làm phụ bếp trên một con tàu thủy để đến được nước Pháp. Sau khi đến nơi, Người vừa lao động kiếm sống, vừa tìm hiểu tình hình thực tế tại Pháp. Trên con đường tìm chân lý của mình, Nguyễn Tất Thành còn đi đến những nơi “những đất tự do, những trời nô lệ”, tìm hiểu đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động, giới thợ thuyền, những người nông dân nghèo khổ, đến các nông thôn hẻo lánh ở New York, Luân Đôn, Thái Lan, Trung Quốc... để tìm hiểu, tham gia vận động và tổ chức các phong trào cách mạng. Người phát hiện ra rằng ở đâu cũng có hai hàng người bóc lột và bị bóc lột. Hành trang của Nguyễn Tất Thành khi ra nước ngoài là tri thức về văn hóa phương Đông và phương Tây, lòng yêu nước nhiệt thành và một dự định lớn lao “xem nước Pháp và các nước khác, sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta” . Để sống và hoạt động cách mạng, người thanh niên làm bất cứ việc gì từ phù hụ bếp dưới tàu, làm bánh trong các khách sạn, cào tuyết, đốt lò, chụp ảnh,…luôn nung nấu chí lớn và hoài bão quyết tâm tìm ra con đường cứu nước, cứu dân.
       Cách mạng tháng mười Nga (1917) nổ ra và thành công, trên cơ sở nghiên cứu và hiểu biết của mình, Người đã nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất của thời đại mới mà Cách mạng tháng Mười mở ra, Người cho rằng “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Hoà mình cùng nhân dân lao động và phong trào đấu tranh của công nhân Pháp, Nguyễn Tất Thành say sưa hoạt động cách mạng, viết báo, hội họp, tuyên truyền, cổ động. Năm 1917, Người tham gia hoạt động trong phong trào của những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng Xã hội Pháp. Ngày 18/6/1919, với tên Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản yêu sách tới Hội nghị Véc xây (Pháp) yêu cầu về quyền tự do, dân chủ, bình đẳng dân tộc cho nhân dân An Nam. Tám yêu cầu trong bản yêu sách không được chấp nhận nhưng nó đã vạch trần bản chất giả dối của các cường quốc, thực dân thống trị, đồng thời qua đó cũng đem lại cho Nguyễn Ái Quốc một nhận thức các dân tộc muốn được giải phóng dân tộc không thể dựa dẫm vào ai đó mà đòi hỏi biết phát huy tinh thần của dân tộc, dựa vào sức lực của bản thân mình. Tham gia những hoạt động của Đảng xã hội Pháp, tham gia trong hoạt động của những người yêu nước Việt Nam tại Pháp và đặc biệt, khi tiếp cận được với Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa Người như mừng rỡ, đây chính là cẩm nang mà bấy lâu nay Người đi tìm kiếm. Luận cương của Lênin đã chỉ ra rằng muốn cứu nước, cứu dân tộc không còn con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản và đó cũng là con đường mà Người đã lựa chọn để giải phóng dân tộc ta.
images1916450 14
Bến Nhà Rồng - nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu
      Trong quãng thời gian từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Với tác phẩm “Bản án Chế độ thực dân Pháp” và “Đường kách mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ báo Thanh niên ra ngày 21/6/1925, người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi điều kiện thành lập Đảng đã đến, ngày 03/02/1930, dưới sự chủ trì của Người tại Hương Cảng, Trung Quốc, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cơ sở Đảng đã nhất trí thành lập một Đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, đây chính là sản phẩm của sự kết hợp của chủ nghĩa Mác – Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là bước ngoặt vĩ đại trong Cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc.
       Trải qua quãng thời gian dài miệt mài với con đường cứu (30 năm), ngày 28/01/1941, Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài trở về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đưa cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, cũng là lần đầu tiên hai chữ Việt Nam đã có tên trên bản đồ thế giới,  đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, chứng minh sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện.
images1916445 12
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tours năm 1920. Ảnh tư liệu
      Có thể khẳng định rằng cách đây 110 năm, ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911-05/6/2021) là bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Nhìn lại hành trình ra đi tìm đường cứu nước 110 năm về trước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người Việt Nam chúng ta đều khắc ghi sâu trong tim, lòng biết ơn vô hạn đối với những hy sinh lớn lao mà Người đã trải qua. Đó chính là mốc son quan trọng và thiêng liêng trong lịch sử giải phóng dân tộc Việt Nam. Ngày nay, mỗi người dân Việt chúng ta nguyện vững bước theo con đường cách mạng mà Đảng ta và Bác Hồ đã chọn, quyết tâm phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam trở nên dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Tác giả bài viết: Ths. Nguyễn Kim Dự

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây