Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

https://truongchinhtri.edu.vn/home


Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc tại tỉnh Bình Phước

Trong những năm qua, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Phước đã không ngừng tăng cường xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, gặt hái được nhiều thành quả quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội trong điều kiện đặc thù của một tỉnh chỉ mới trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển.
         1. Những nội dung cơ bản trong tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh
        Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết có cội nguồn từ truyền thống yêu nước, tương thân, tương ái, tinh thần cố kết cộng đồng của dân tộc Việt Nam, từ quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và từ những kinh nghiệm thành công và thất bại của các phong trào cách mạng Việt Nam và phong trào dân tộc dân chủ thế giới. Theo Người, nội hàm của đại đoàn kết rất rộng: “Chúng ta phải đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ. Đoàn kết giữa Chính phủ và nhân dân. Đoàn kết giữa các tầng lớp trong nhân dân với nhau. Đoàn kết giữa đồng bào toàn quốc, từ Bắc chí Nam. Nói rộng hơn nữa: Đoàn kết giữa nhân dân ta và nhân dân các nước bạn, nhân dân châu Á, nhân dân nước Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới”(1) . Như vậy, đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết toàn dân, là tập hợp mọi người dân “không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những việc nên làm, những việc Chính phủ và đoàn thể giao cho”(2) . Người đã nhiều lần nêu rõ: "Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ"(3) .
       Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề chiến lược, là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng. Người cho rằng, cách mạng muốn thắng lợi phải có lực lượng cách mạng; muốn có lực lượng cách mạng phải thực hiện đại đoàn kết, quy tụ mọi lực lượng cách mạng thành một khối vững chắc. Người cho rằng, “mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC”(4) . Đại đoàn kết dân tộc không những là mục tiêu, mục đích và nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, mà còn là mục tiêu, mục đích, nhiệm vụ hàng đầu của dân tộc. “Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà”(5) .
        Tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh có lập trường giai cấp rõ ràng, đó là đại đoàn kết toàn dân với nòng cốt là khối liên minh công - nông - trí thức do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Hồ Chí Minh luôn tin rằng mỗi người dân Việt Nam đều có lòng yêu nước, đều mong muốn có được độc lập, tự do, hạnh phúc, đó chính là “mẫu số chung” để tập hợp lực lượng toàn dân vào khối đại đoàn kết dân tộc. “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác”(6). Tuy nhiên, theo Người, "Lực lượng chủ yếu trong khối đoàn kết dân tộc là công nông, cho nên liên minh công nông là nền tảng của Mặt trận dân tộc thống nhất"(7) . Sau này, Hồ Chí Minh đã nhận rõ vai trò to lớn của đội ngũ trí thức và Người có một sự bổ sung quan trọng: coi liên minh công - nông - lao động trí óc (trí thức) là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân. Từ đó Người khẳng định, đại đoàn kết dân tộc phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Bởi chỉ có Đảng của giai cấp công nhân mới có mục đích tiêu biểu cho những yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân cả nước, được các tổ chức, đảng phái và toàn dân tin tưởng, ủng hộ, có mối liên hệ với đông đảo bè bạn ở ngoài nước. 
     Tại Đại hội các đoàn thể cách mạng Việt Nam ở nước ngoài họp tại Liễu Châu (Trung Quốc) từ ngày 25-28/3/1944, Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn đoàn kết toàn dân, cần phải có một đoàn thể rộng lớn, rất độ lượng thì mới có thể thu hút được mọi đoàn thể và cá nhân có lòng thiết tha yêu nước, không phân biệt tuổi tác, gái trai, tôn giáo, nghề nghiệp, giai cấp, đảng phái”(8) , tổ chức đó chính là Mặt trận dân tộc thống nhất. Từ khi tìm ra con đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã rất chú ý đến việc đưa quần chúng nhân dân vào những tổ chức yêu nước để đoàn kết họ lại, tuyên truyền, giáo dục và phát huy sức mạnh từ những lực lượng có tổ chức. Mặt trận chính là nơi tập hợp các tổ chức và cá nhân yêu nước ở trong nước và ở nước ngoài có điều kiện, có tấm lòng chung tay góp sức vào công cuộc cách mạng của dân tộc. Trong Mặt trận, các thành viên của khối đại đoàn kết dân tộc vừa có điểm tương đồng nhưng vẫn có những điểm khác nhau cần phải bàn bạc để đi đến thống nhất; có những nhân tố tích cực đồng thời cũng có những yếu tố tiêu cực cần phải đấu tranh, khắc phục. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh nhấn mạnh phương châm "cầu đồng tồn dị", lấy cái chung để hạn chế cái riêng, cái khác biệt; đồng thời  thực hiện đoàn kết phải gắn với đấu tranh, đấu tranh để tăng cường đoàn kết. Hồ Chí Minh luôn yêu cầu phải loại bỏ việc đoàn kết xuôi chiều, phải nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình để biểu dương mặt tốt, khắc phục mặt chưa tốt, củng cố đoàn kết nội bộ, phải “thật thà đoàn kết” trong Mặt trận.
        2. Tình hình xây dựng khối đại đoàn kết tỉnh Bình Phước trong giai đọan hiện nay
        Trong thời gian qua, tại tỉnh Bình Phước, việc xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc chịu tác động không nhỏ bởi nhiều khó khăn, thách thức: các thế lực thù địch, phản động thường xuyên có những hành động chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và khối đại đoàn kết; các tổ chức thành viên của Mặt trận và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng, bức xúc trước vấn đề an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông; các loại tội phạm, nhất là ma túy còn diễn biến phức tạp; công tác quy hoạch, giải tỏa, bồi thường nhiều dự án còn chậm và kéo dài; tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn nhiều hạn chế; một số vụ việc khiếu kiện kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm...
       Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, khối đại đoàn kết các dân tộc trong Tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng cũng như sự đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Giai cấp công nhân: có 94.446 người với hơn 91.590 đoàn viên công đoàn đã đóng góp tích cực, trực tiếp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Tỉnh. Giai cấp nông dân: với khoảng 90.450 người trong độ tuổi lao động làm nông nghiệp, trong đó có 88.120 hội viên đã góp phần to lớn trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đội ngũ trí thức: với khoảng 29.000 người, có nhiều đóng góp trong nghiên cứu và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, trong sáng tạo các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, tích cực đấu tranh với cái xấu, bảo vệ cái đẹp, cái thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa, hình thành nhân cách, lối sống lành mạnh và từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân.  Lực lượng thanh niên: với hơn 235.125 người, có hoài bão xây dựng đất nước, có ý thức vươn lên làm chủ công nghệ, khoa học kỹ thuật; xung kích đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Phụ nữ: có 199.187 người từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 161.786 hội viên, giữ vai trò quan trọng trong xây dựng gia đình bền vững, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo sự đoàn kết, gắn bó trong nhân dân. Cựu chiến binh: có 23.789 hội viên, luôn có tinh thần tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào hành động cách mạng ở địa phương. Người cao tuổi: hiện có khoảng 62.300 người, luôn phát huy tinh thần “Tuổi cao - gương sáng”, đồng hành cùng con cháu tham gia sản xuất, công tác xã hội; là nòng cốt trong việc tham gia thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Các lực lượng vũ trang nhân dân: làm tốt công tác vận động quần chúng, chính sách hậu phương quân đội, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng đường biên, cột mốc ổn định, đoàn kết, hữu nghị với các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia có chung đường biên giới, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Đội ngũ doanh nhân: với 10.455 doanh nghiệp, có sự năng động, chủ động hội nhập quốc tế góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như tạo việc làm, giảm nghèo. Đồng bào các dân tộc thiểu số: có khoảng 198.970 người, được cải thiện đáng kể  về đời sống vật chất, tinh thần. Nhận thức của đồng bào trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được nâng lên; tích cực tham gia phát triển kinh tế; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng bào các tôn giáo: có 238.246 tín đồ, luôn yên tâm lao động sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân với tinh thần sống “Tốt đời, đẹp đạo”(9) .
       Trên cơ sở tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thời gian qua, Tỉnh đã phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, vận động Quỹ “Vì người nghèo”, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…Thông qua cuộc vận động, đã huy động được nhiều nguồn lực trong nhân dân cùng nhau góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Hưởng ứng và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các tổ chức thành viên Mặt trận đã phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động có nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả thiết thực. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tích cực phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại Nhân dân, tăng cường đoàn kết hữu nghị và hợp tác Quốc tế. Tăng cường các hoạt động giao lưu nhằm thắt chặt tình đoàn kết với các tỉnh Vương quốc Campuchia…
picture4
Các đại biểu được hiệp thương vào Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Phước nhiệm kỳ 2019-2024 ra mắt đại hội (Ảnh: tinhuybinhphuoc.vn)
       Từ sự nỗ lực, đồng lòng, chung sức của toàn Đảng bộ và nhân dân, trong thời gian qua, Tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 7,25%, tăng 0,15% so với nhiệm kỳ trước. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người cao hơn mức bình quân cả nước, ước thực hiện đến cuối 2020 đạt 67,3 triệu đồng (tương ứng 3.000 USD), đạt gấp 1,54 lần so với năm 2015(10) . Các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có sự chuyển biến tốt. Đời sống nhân dân được nâng lên, diện mạo của tỉnh từ đô thị đến nông thôn có sự thay đổi tích cực. An sinh xã hội được đảm bảo. Công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện một cách quyết liệt. (Riêng năm 2019, với chủ trương giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu sô từ nguồn ngân sách của tỉnh, đã giảm được 1.128 hộ nghèo trong đồng bào các dân tộc thiểu số, đạt 113% kế hoạch)(11). Quốc phòng, an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại được tăng cường. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều đổi mới, đạt được kết quả tốt. 
       3. Một số giải pháp nhằm tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc tỉnh Bình Phước
    Trong bối cảnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển tỉnh nhà ngày càng đặt ra những đòi hỏi cao hơn, những thách thức mới mẻ, thì yêu cầu phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong tỉnh là vô cùng cấp thiết. Để thực hiện xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong Tỉnh đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay, trên cơ sở vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, tỉnh Bình Phước cần tập trung giải quyết tốt hơn nữa những vấn đề sau đây:
       Một là, xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh: Đây chính là yếu tố hàng đầu, quyết định sự thành, bại trong tập hợp, xây dựng, củng cố khổi đại đoàn kết của Tỉnh, bởi lẽ thông qua đó giúp nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý của hệ thống chính trị, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khuyến khích nhân dân tham gia xây dựng Đảng và quản lý Nhà nước. Văn kiện Đại hội XII nhấn mạnh: “Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(12) . Hệ thống chính trị của Tỉnh có trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên trong hệ thống có đoàn kết, đồng lòng thì mới có sức lan tỏa, tác động tích cực đến các thành phần, lực lượng trong xã hội.
       Trong thời gian qua, việc xây dựng hệ thống chính trị của Tỉnh có nhiều đổi mới, bám sát cơ sở, trọng tâm là sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII, bằng việc cụ thể hóa thành Đề án 999 của Tỉnh ủy với mục tiêu trọng tâm “4 giảm, 4 tăng”; làm tốt công tác dân vận, hướng về cơ sở, nắm chắc địa bàn dân cư, kịp thời vận động, tuyên truyền hiệu quả nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân; hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng được đổi mới và nâng cao chất lượng; quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân các cấp có nhiều đổi mới, hiệu quả…Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót xảy ra như: tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao, còn tình trạng nể nang, ngại va chạm. Còn một số cán bộ, đảng viên chưa tích cực sửa chữa khuyết điểm, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước…
      Trong điều kiện, tình hình mới, cần tiếp tục củng cố và tăng cường sự đoàn kết trong Đảng, khắc phục có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, thực hiện hiệu quả, thực chất việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Nâng cao hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19NQ/TW của Trung ương khóa XII; Đề án 999 của Tỉnh ủy. Thực hiện tiếp công dân, xử lý kịp thời, hiệu quả đơn thư khiếu nại, tố cáo; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại tồn đọng kéo dài. Đổi mới mạnh mẽ cải cách hành chính và hoàn thành việc xây dựng chính quyền điện tử để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
      Hai là, chăm lo lợi ích cho nhân dân: là nhiệm vụ, đồng thời cũng là mục đích của việc xây dựng khối đại đoàn kết và của cách mạng. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn thể các tầng lớp nhân dân trong Tỉnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi: “Cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải đoàn kết chặt chẽ; phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, đặt lợi ích chung của nhân dân lên trên lợi ích riêng của mình; phải làm gương mẫu trong đoàn kết dân tộc(13). Với đặc điểm của một tỉnh mà cộng đồng dân cư có quá trình hình thành phức tạp, có nhiều dân tộc, tôn giáo…dẫn đến sự quan tâm về lợi ích của mỗi thành viên trong khối đại đoàn kết là khác nhau. Tuy nhiên cần lấy mục tiêu “Xây dựng tỉnh Bình Phước phát triển nhanh và bền vững” để làm điểm chung nhằm quy tụ lực lượng toàn dân chung tay, góp sức cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Hồ Chí Minh đã hết sức quan tâm đến việc mang lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân trong công cuộc cách mạng do Đảng lãnh đạo: “Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lí gì”(14)  và “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(15) . Để làm được điều ấy cần thấm nhuần lời dạy của Bác: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”(16) . Trên cơ sở đó, Tỉnh cần nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến của nhân dân, chỉ đạo giải quyết hiệu quả, kịp thời những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân; chăm lo cho những đối tượng yếu thế, gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn; bên cạnh đó cần thường xuyên chăm lo bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; có chính sách hợp lý để thu hút người giỏi, người giàu và doanh nghiệp đầu tư làm ăn, sinh sống trên địa bàn tỉnh.
       Ba là, xây dựng Mặt trận và các tổ chức đoàn thể vững mạnh làm nòng cốt trong việc tập hợp, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết: Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Phải thành thực lắng nghe ý kiến của người ngoài Đảng. Cán bộ và đảng viên không được tự cao tự đại, cho mình là tài giỏi hơn mọi người; trái lại phải học hỏi điều hay, điều tốt của mọi người....Cán bộ và đảng viên có quyết tâm làm như thế thì công tác Mặt trận nhất định sẽ tiến bộ nhiều”(17) . Để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc tỉnh Bình Phước, Mặt trận và các đoàn thể cần thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân; chủ động nắm tình hình nhân dân, kịp thời phát hiện những khó khăn, bức xúc để phản ánh với cấp ủy, chính quyền, không để phát sinh những tình huống bị động, bất ngờ trong đời sống nhân dân mà Mặt trận và các tổ chức thành viên không nắm được. Bên cạnh đó, Mặt trận cần phát huy có hiệu quả hơn nữa việc triển khai công tác đối ngoại nhân dân, tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu, thăm hỏi, đặc biệt với các tỉnh giáp biên với vương quốc Campuchia, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị hợp tác, phát triển. Mặt trận cần phối hợp thống nhất với các tổ chức thành viên triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, chú trọng biểu dương các điển hình tiêu biểu, nhân rộng, phát huy các mô hình hiệu quả trong các phong trào, cuộc vận động; củng cố tổ chức và đội ngũ cán bộ Mặt trận, đoàn thể theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín; thu hút đông đảo đội ngũ cộng tác viên, chuyên gia thuộc mọi lĩnh vực, người có uy tín ở cộng đồng dân cư tham gia công tác Mặt trận; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân và tập trung hướng mạnh các hoạt động về cơ sở; kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc trong Tỉnh.
         Với những đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới, dân tộc…, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, thời gian qua, toàn Đảng, toàn dân tỉnh Bình Phước đã quyết tâm, nỗ lực phấn đấu làm cho đời sống về mọi mặt của nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao, an ninh - quốc phòng được giữa vững, kinh tế - xã hội của địa phương phát triển theo hướng bền vững, không xảy ra những sự việc nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân, tạo sự phấn khởi, tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, chính quyền. Đó chính là minh chứng rõ nét, quan trọng nhất của những thành quả từ việc quan tâm, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc tỉnh Bình Phước theo di sản tư tưởng Hồ Chí Minh./.
--------------------------
(1),(3),(5),(6): Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 9, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 90, 244
(2),(4),(7),(8) (13): Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, 7, 12, 3, 13 Nxb CTQG, H. 2011, tr. 232, 49, 417, 480, 96, 455
(14),(15),(16): Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4 Nxb CTQG, H. 2011, tr.64, 175,65
(9) Số liệu theo Báo cáo Chính trị Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước khóa IX (2019-2024)
(10) Đảng bộ tỉnh Bình Phước, Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI
(11) Báo cáo số 331/BC-SLĐTBXH ngày 27/12/2019 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2019
(12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 160

Tác giả bài viết: Lương Thị Hồng Vân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây