Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

http://truongchinhtri.edu.vn/home


Những bài học dân vận từ việc vận động kiều bào Campuchia hồi hương sinh sống trên lòng hồ thủy điện Cần Đơn tại xã Phước Minh - Bù Gia Mập

Hiện nay, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chống phá sự nghiệp cách mạng của đất nước ta, nhất là ở những nơi trình độ dân trí còn thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Do đó, hơn lúc nào hết, công tác dân vận nói chung và công tác dân vận đối với các đối tượng đặc thù cần phải được quan tâm đặc biệt.
 
Xã Phước Minh được thành lập ngày 01 tháng 3 năm 2008 trên cơ sở tách ra từ xã Đa Kia; là xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Bù Gia Mập với hơn 30% đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời xã có 31 hộ với 103 nhân khẩu là bà con Việt kiều Campuchia hồi hương sinh sống trên lòng hồ thủy điện Cần Đơn. 
Từ năm 2001, khi nhà máy thủy điện Cần Đơn đắp đập thủy điện, bà con theo con nước về đánh bắt cá và sinh sống trên lòng hồ và trục vớt gỗ, củi trên sông. Những khó khăn đặt ra cho công tác quản lý đối với nhóm đối tượng này là: Bà con không có giấy tờ tùy thân hợp pháp, không có nơi ở ổn định, không nghề nghiệp, không biết chữ. Tuy nhiên, thời gian qua nhờ sự quan tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, bước đầu bà con đã ổn định cuộc sống, an tâm làm ăn sinh sống trên mảnh đất quê hương. Hầu hết bà con đều chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương; đời sống vật chất và tinh thần của bà con được cải thiện. Đặc biệt, bà con rất tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, các phong trào cách mạng tại địa phương. Những kết quả đáng khích lệ nói trên có sự góp sức không nhỏ của quá trình thực hiện công tác dân vận thường xuyên, liên tục của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận xã Phước Minh. Từ thực tiễn công tác vận động bà con kiều bào Campuchia sinh sống tại lòng hồ thủy điện Cần Đơn, có thể rút ra một số bài học cụ thể trong công tác dân vận.
Thứ nhất, xây dựng đội ngũ cán bộ phụ trách dân vận: cần thường xuyên xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân có phong cách “gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, thực sự là “công bộc của nhân dân”. Trong thực tế, để thực hiện công tác vận động bà con kiều bào sinh sống trên diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Cần Đơn, lãnh đạo Đảng, chính quyền xã Phước Minh đã cử những cán bộ, đảng viên cốt cán, những cán bộ đã từng tham gia cách mạng, am hiểu địa bàn, có năng khiếu văn hóa, văn nghệ, biết nói tiếng Campuchia đến khu vực sinh sống của bà con để nắm bắt tình hình, hòa mình vào các hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần của bà con, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Bằng trách nhiệm, nhiệt tình và tình cảm, đội ngũ cán bộ dân vận của xã đã rút ngắn khoảng cách với người dân, xóa bỏ dần những mặc cảm, tự ti trong nhân dân, giúp người dân cởi mở, hòa nhập trong cuộc sống, mạnh dạn tham gia các hoạt động của địa phương.
Thứ hai, quan tâm xây dựng các tổ chức hội, đoàn thể trong quần chúng: Ngay từ những ngày đầu bà con đến sinh sống, lãnh đạo địa phương đã quan tâm phát triển các tổ chức hội tại địa bàn dân cư, đã thành lập các chi hội như: chi hội phụ nữ, chi hội nông dân… Các chi hội đã thực hiện tốt công tác hỗ trợ và kêu gọi các doanh nghiệp địa phương, kết nối các tổ chức tình nguyện trong và ngoài tỉnh đến thăm và tặng quà cho bà con; quan tâm, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bà con.
Thứ ba, tăng cường sự phối hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của bà con: Khó khăn lớn nhất của bà con nơi đây là đa số không có giấy tờ tùy thân nên khó khăn trong việc xác định hộ tịch; một số đối tượng có giấy tờ tùy thân do chính quyền Campuchia cấp nên mang quốc tịch Campuchia, vì vậy quản lý số đối tượng này phải tuân theo các quy định quản lý người nước ngoài tại địa phương; bà con sinh sống trên lòng hồ thủy điện, không được nhà máy thủy điện Cần Đơn đồng ý, vì không có chỗ ở hợp pháp nên không thể đăng ký hộ khẩu thường trú; không được cấp chứng minh nhân dân. Do vậy, nên việc tiếp cận với các hoạt động xã hội như: học tập, học nghề, xin việc làm tại các công ty, doanh nghiệp rất khó khăn. Tìm hiểu rõ những khó khăn của bà con, chính quyền các cấp của Tỉnh đã tạo điều kiện cấp thẻ thường trú; cấp thẻ cử tri tham gia bầu cử hội đồng nhân dân các cấp, tạo điều kiện cho trẻ em đến trường đi học; đồng thời giao lực lượng công an phối hợp phía Campuchia rà soát các đối tượng đã được cấp giấy tờ tùy thân, xác minh quốc tịch.
Thứ tư, chăm lo, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân: xây dựng tình cảm và củng cố niềm tin tưởng vào chủ trương, đường lối; chính sách nhân văn, tiến bộ của Đảng và Nhà nước ta. Lãnh đạo tỉnh Bình Phước, huyện Bù Gia Mập và địa phương đã ban hành nhiều chính sách đặc biệt, các chương trình phát triển kinh tế xã hội đối với bà con kiều bào Campuchia sinh sống trên lòng hồ thủy điện Cần Đơn. Tích cực vận động quỹ Nghĩa tình Sông Bé, tiến hành rà soát, xét cấp đất và xây dựng nhà cửa cho 30 hộ có thời gian sinh sống tại địa phương trên 15 năm đồng thời tạo điều kiện, hướng dẫn bà con định canh, định cư, ổn định cuộc sống.
Thứ năm, kiên quyết đấu tranh, dẹp bỏ phần tử kích động, lợi dụng bà con để gây mất trật tự an ninh - xã hội tại địa phương: kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý việc phát tán các ấn phẩm có nội dung truyền bá mê tín dị đoan, truyền bá đạo trái phép; xây dựng lực lượng từ trong chính bà con nhằm cảnh giác, phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm pháp luật nhằm xây dựng một cộng đồng đoàn kết, phát triển.
Từ những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm trong công tác vận động kiều bào Campuchia sinh sống trên lòng hồ thủy điện Cần Đơn tại xã Phước Minh thời gian qua cho thấy: trong thực tiễn cách mạng, việc càng khó, công tác dân vận càng có vai trò quan trọng. Công tác dân vận đi trước, giúp nhân dân hiểu rõ, tin tưởng và thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Khi nhân dân đã hiểu, đã tin thì mọi mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng đều có thể thực hiện thắng lợi./.


 
 

Tác giả bài viết: Lương Thị Hồng Vân - Dư Thị Oanh

Nguồn tin: Trường Chính trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây