Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

http://truongchinhtri.edu.vn/home


Nhận diện vấn đề suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ đến “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” dẫn đến “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam hiện nay

         Trong bối cảnh thời sự hiện nay, việc các lực lượng thù địch trong nước và ngoài nước luôn tìm cách ngăn cản, phá hoại cuộc cách mạng của nhân dân ta bằng âm mưu “diễn biến hoà bình” đang tìm mọi cơ hội khoét sâu và lợi dụng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sự “tự diễn biễn”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng ta hiện nay. Thực tế điều đó đã và đang diễn ra thậm chí ngày càng nhanh chóng và nguy hiểm, có tác động lớn, liên quan đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ, sự phát triển bền vững của đất nước. Chính vì vậy, việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới luôn là vấn đề quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
         Thực  tiễn hiện nay đòi hỏi mỗi chúng ta cần có cách đánh giá nhìn nhận đúng đắn, thẳng thắn chỉ rõ mối quan hệ từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ rất dễ dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ và từ sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ đến “diễn biến hoà bình” sẽ là một bước chuyển rất nhanh chóng và nguy hiểm. 
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI của Đảng ta đã nhận định, vẫn còn “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”. 
            Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu trên một số mặt mà Nghị quyết đề ra. Tại Đại hội XII, Đảng ta chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn…”. Chứng tỏ rằng việc nhận diện và đấu tranh phòng, chống những biểu hiện của sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” càng trở nên cấp thiết hơn. 
            1. Nhận diện những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ:
          Thứ nhất, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ tuy xảy ra ở một bộ phận cán bộ, nhưng hiện nay nó đang có những diễn biến, biểu hiện vô cùng phức tạp. Nghiêm trọng nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, phủ nhận thành quả của cách mạng, mơ hồ, hoài nghi về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về khả năng lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Chính phủ. Từ đó tỏ ra bất mãn với chế độ, luôn có tư tưởng đi ngược lại với quan điểm Đảng, ủng hộ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, sẵn sàng từ bỏ con đường Chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã chọn, làm phương hại đến lợi ích của Đảng, của dân tộc, thậm chí nói xấu, bôi nhọ những gì thuộc về đất nước mình và luôn ca tụng, tung hô một cách cực đoan những gì thuộc về đất nước khác, nhất là phương Tây. Có thể nói đây là một biểu hiện quan trọng của sự xuống cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị và trong giai đoạn hiện nay, biểu hiện này đang có xu hướng gia tăng, không dễ ngăn chặn, đẩy lùi.
Tất cả những nhận thức và hành động trên của một bộ phận cán bộ đã làm ảnh hưởng lớn tới uy tín của Đảng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đây là mức độ nguy hiểm cao của sự xuống cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị. 
           Thứ hai, những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống: Bên cạnh sự xuống cấp của một bộ phận cán bộ về tư tưởng chính trị thì sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của đội ngũ này cũng đã và đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng và phạm vi. Trong đó “tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước”. Cá biệt, có những vụ tham nhũng, lãng phí gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, gây bức xúc dư luận, làm giảm niềm tin của quần chúng vào vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. 
Không chỉ có tình trạng tham nhũng, hối lộ, một số cán bộ lãnh đạo quản lý lợi dụng chức, quyền để mưu lợi cá nhân, lo thu vén cho cá nhân, gia đình dẫn đến coi nhẹ lợi ích tập thể, cộng đồng. Bệnh cơ hội, tư duy nhiệm kỳ, chủ nghĩa cá nhân có chiều hướng gia tăng, “một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm giữ khối lượng tài sản, nguồn vốn lớn của tập thể, của Nhà nước; đó là môi trường để chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, thực dụng phát triển”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý lợi dụng chi tiêu công, dùng tài sản công phục vụ mục đích cá nhân; có lối sống hưởng lạc, xa hoa, lãng phí không quan tâm đến đời sống còn khó khăn của nhân dân dẫn đến thói quan liêu, xa dân, lãnh đạm, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc và yêu cầu, đòi hỏi chính đáng của nhân dân, thậm chí đi ngược tâm tư, quyền lợi của nhân dân, gây bức xúc trong nhân dân, làm tổn hại thanh danh và uy tín của Đảng, làm giảm niềm tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, cũng như sự lựa chọn con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội. 
           Như vậy tình trạng xuống cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ ở nước ta hiện nay đã trở nên rất nghiêm trọng, với nhiều những biểu hiện khác nhau, phạm vi biểu hiện ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, thậm chí có biểu hiện còn trở thành “quốc nạn”. 
         2. Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ tất yếu sẽ dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
         Cụm từ “tự diễn biến” lần đầu được chính thức ghi trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá X (7/2007) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới và cụm từ “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” được nhắc đến trong một số văn kiện của Đảng từ đó đến nay. Mới đây Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư (khóa XII) đã ra Nghị quyết về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Điều đó khẳng định việc tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng đối với thứ “giặc nội xâm” này. 
          Từ việc nhận diện những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, có thể nói bước chuyển dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ sẽ là một quá trình tất yếu. Quá trình này diễn ra vô cùng nhanh chóng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khoá XII rằng: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc kết cấu với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”. Quá trình này sẽ diễn ra nhanh hơn, nguy hiểm hơn khi nhiễm phải những luận điệu sai trái, những biện pháp dụ dỗ, mua chuộc, kích động của các thế lực thù địch, các đối tượng cơ hội chính trị, các phần tử bất mãn.
         Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XII đã chỉ ra biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” mà biểu hiện rõ nhất ở quan điểm, tư tưởng phản bác, phủ nhận những vấn đề chính trị cốt tử của Đảng và thể chế chính trị - xã hội ở nước ta, từ chủ nghĩa Mác – Lênin đến các nguyên tắc tổ chức của Đảng; nền dân chủ Xã hội chủ nghĩa; nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa; chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang, đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học - nghệ thuật, chính sách dân tộc, tôn giáo, đường lối đại đoàn kết dân tộc,… Chính từ những “quan điểm, tư tưởng phản bác” (biểu hiện) đó cuối cùng sẽ đưa tới những hành động sai trái như: đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”; nói, viết, làm trái quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bất mãn, chống đối chính quyền; đặc biệt trong giai đoạn bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay nhiều đối tượng đã lợi dụng các phương tiện truyền thông nhất là mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ, truyền bá tư tưởng phản động,…
          Hiện nay để phát hiện ngay được những đối tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” sẽ là rất khó bởi vốn nó tự diễn ra trong đầu óc con người nhưng cũng không phải là không thể phát hiện được. Bởi những người mang tư tưởng sai lệch trước sau gì cũng sẽ thể hiện ra những hành vi sai trái và đó chính là cơ sở để nhận diện, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý. Hơn nữa như đã phân tích, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là bước tiếp theo của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nên nếu mỗi cán bộ tự giác rèn luyện, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tức là sẽ ngăn chặn được “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Đồng thời, nếu không kịp thời nhận diện và kiên quyết đấu tranh với tất cả những biểu hiện, hành động trên thì nguy cơ dẫn đến vấn đề “diễn biến hoà bình” là rất lớn.
           3.  Vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ dễ dấn đến vấn đề  “diễn biến hoà bình”.
          Ở Việt Nam hiện nay,  sự chống phá của các thế lực thù địch với âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” đang ra sức thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, nhằm chia rẽ nội bộ Đảng và phá hoại mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, làm mất uy tín của cán bộ, đảng viên, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng với nhiều cách thức ngày càng tinh vi, khó nhận diện. Chẳng hạn, chúng lợi dụng những sự kiện lớn của đất nước và một số vụ việc (gần đây nhất là các sự kiện giàn khoan 981 hay giàn khoan Hải dương địa chất 8 của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam, sự kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, hay các vụ án liên quan đến tham nhũng, vấn đề nước sạch, môi trường… để nói xấu, bôi nhọ, đả kích nhằm kích động tinh thần, kích động biểu tình, tung tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận. Điều đó đã làm cho một số cán bộ, đảng viên không đủ tỉnh táo, lập trường không vững vàng, không biết cách chọn lọc thông tin, nhận thức không đầy đủ, đúng đắn đã dễ dàng “bị phần tử xấu lợi dụng lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc đã có những tư tưởng, việc làm chống đối Đảng, Nhà nước”, có những bình luận, suy diễn, công khai cổ suý cho những nhận định sai trái, thiếu khách quan về một số sự kiện có liên quan đến lịch sử cách mạng, hoặc một số cá nhân lãnh đạo với dụng ý xấu và vô tình trở thành công cụ tiếp tay cho âm mưu của chúng. Trong số đó có cả cán bộ đã từng cống hiến lâu năm cho cách mạng, cán bộ có vị trí xã hội, cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, hoặc có những bất mãn cá nhân bị các thế lực xấu ở trong và ngoài nước tâng bốc, lôi kéo, nhồi nhét những tư tưởng xuyên tạc. Họ đã trở thành những người đi ngược lại với dân tộc, phản bội Tổ quốc, tiếp tay cho địch phát tán tài liệu, truyền bá những quan điểm sai trái với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 
           Nhìn nhận thẳng thắn những vấn đề trên, ta thấy rằng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay có quan hệ chặt chẽ   với “diễn biến hòa bình”. “Diễn biến hòa bình” đang lợi dụng khoét sâu, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đến lượt nó “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” lại thúc đẩy “diễn biến hòa bình”, trong đó “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là nhân tố bên trong quan trọng nhất. Nếu nhìn tổng thể thì có thể thấy âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng chuyển hoá chế độ ta bằng “diễn biến hoà bình” là hết sức nguy hiểm, trong đó nguy hiểm nhất là khai thác những mầm mống và khả năng “tự diễn biến” để chuyển hoá ta cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, đạo đức, lối sống.
           Trên co sở nhân thức rõ mối liên quan mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau giữa các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên;  biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; âm mưu “diễn biến hoà bình” của kẻ thù hiện với những bước đi nguy hiểm, khó lường, yêu cầu việc nhận diện, đấu tranh phòng chống các biểu hiện trên cần phải phối hợp và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong đó, đặc biệt chú trọng các giải pháp trong công tác cán bộ, bởi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ví tác hại của loại giặc “nội xâm” này chẳng khác nào như cỏ dại đối với lúa; muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không thì dù cày bừa có kỹ, bón phân nhiều thì lúa vẫn xấu vì bị cỏ át đi. Đúng như vậy, hiện nay chúng ta đang chứng kiến một cuộc chiến đấu chống giặc “nội xâm” được diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt nhưng lại rất sâu sắc, không ồn ào, thể hiện trong mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi đơn vị, mỗi địa phương, đến tất cả mọi lĩnh vực rộng lớn của đời sống xã hội. Ngay từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã thẳng thắn chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và bốn hệ thống giải pháp; tập trung xây dựng và chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, đảng viên với tinh thần kiên quyết và triệt để, nhất là vấn đề giám sát, kiểm soát quyền lực. 
            Như vậy, vấn đề suy thoái và biểu hiện của suy thoái không ở đâu xa, nó đang nằm ngay trong các cơ quan, đơn vị, trong mỗi đảng viên, mỗi cán bộ chúng ta. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải xác định rõ lý tưởng cách mạng, kiên trì với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của nước ta, luôn rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, đấu tranh với những cám dỗ, thói hư tật xấu, đấu tranh mạnh mẽ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm được điều đó, sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ đồng thời làm thất bại những mưu đồ lợi dụng vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để dẫn đến vấn đề “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá cách mạng nước ta và sự phát triển của đất nước của các thế lực thù địch trong và ngoài nước hiện nay./.

         Tài liệu tham khảo:
         1. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 1994, t.20, tr.253.
         2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2001, tr86.
       3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa  XI, Nxb Chính trị quốc gia, H.2012, tr. 22, 23.
         4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, H.2016, tr.185.

Tác giả bài viết: Ths. Nguyễn Kim Dự

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây